ĐBSCL: Mỗi năm có hơn 10.000 trường hợp đột quỵ

Hàng năm Việt Nam có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó khu vực ĐBSCL có hơn 10.000 trường hợp, với tỷ lệ tử vong, tàn phế còn cao và khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện còn hạn chế. Việc xây dựng mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại ĐBSCL được xem là giải pháp thiết thực để điều trị kịp thời cho người bị đột quỵ.

Thông tin trên được TS- BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM cho biết tại Hội thảo quốc tế “Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ và xây dựng mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại miền Tây", được tổ chức tại Cần Thơ, ngày 4-11.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành đại diện cho các hiệp hội, các viện, trường trong và ngoài nước...

ĐBSCL: Mỗi năm có hơn 10.000 trường hợp đột quỵ ảnh 1
Tại hội thảo, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng: Tình hình bệnh đột quỵ ngày càng gia tăng và có khuynh hướng trẻ hóa. Đây thật sự là mối nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe mọi người. Hiện nay, y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, giúp giảm  thiểu thương vong rất hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy việc phát triển mạng lưới cấp cứu can thiệp sớm đột quỵ gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi tốn thời gian, công sức, sự đầu tư, đào tạo, sự phối hợp và cả việc truyền thông quảng bá. 

Trong tất cả các yếu tố quan trọng nêu trên thì thời gian chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự sống còn và chất lượng của mọi phương pháp điều trị.

Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về các vấn đề như: Vai trò bác sĩ can thiệp thần kinh trong điều trị đột quỵ, bệnh mạch máu não và nhu cầu đào tạo; cập nhật chỉ định và những tiến bộ trong kỹ thuật can thiệp tái thông điều trị đột quỵ não cấp…

Hiện, người dân ĐBSCLđang mong Bệnh viện Đột quỵ Tim Mạch Cần Thơ (được khởi công xây dựng vào tháng 7-2017) sớm đi vào hoạt động để tạo điều kiện điều trị cho người dân ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục