ĐBSCL: Tất bật phòng chống bệnh tả

Bệnh tả đang có chiều hướng lan rộng ra khu vực ĐBSCL. Đến nay, có 4 địa phương xuất hiện căn bệnh nguy hiểm này là Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ và An Giang. Nguy cơ bệnh tả bùng phát thành dịch trên diện rộng khi một số dòng sông được xác định sự có mặt phẩy khuẩn tả, trong khi người dân dùng nước sông rạch không đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống đang rất phổ biến.
ĐBSCL: Tất bật phòng chống bệnh tả

Bệnh tả đang có chiều hướng lan rộng ra khu vực ĐBSCL. Đến nay, có 4 địa phương xuất hiện căn bệnh nguy hiểm này là Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ và An Giang. Nguy cơ bệnh tả bùng phát thành dịch trên diện rộng khi một số dòng sông được xác định sự có mặt phẩy khuẩn tả, trong khi người dân dùng nước sông rạch không đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống đang rất phổ biến.

Nguy cơ phát dịch lớn

Gần 3 tháng khống chế thành công ở khu vực biên giới (huyện An Phú), đến nay bệnh tả tái bùng phát tại thành phố Long Xuyên và huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Đặc biệt, chỉ tại phường Khánh Bình, TP Long Xuyên xuất hiện 3 ca bệnh tả, trong đó có 2 bệnh nhân nhà gần nhau. Đó là trường hợp chị P.T.U. (38 tuổi, ngụ khu vực Bình Thới 1, P. Bình Khánh) phát bệnh ngày 13-6. Cách nhà chị U. chưa đầy 400m, chị H.T.H. (28 tuổi), cũng phát bệnh trong ngày 13-6.

Như vậy, từ đầu năm 2010 đến nay, An Giang phát hiện 18 ca dương tính với phẩy khuẩn tả ở các huyện An Phú, Thoại Sơn, Chợ Mới và TP Long Xuyên (trong tổng số 250 ca tiêu chảy cấp toàn tỉnh). Tất cả đều chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Tại Bến Tre, bệnh tả lan ra 5 huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Châu Thành và Giồng Trôm với 50 ca. Toàn tỉnh còn có 500 ca tiêu chảy cấp, tính từ thời điểm phát hiện ca tả đầu tiên (ngày 10-5) đến nay. Trong đó, bệnh tả và tiêu chảy cấp chủ yếu tập trung tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc.

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh cho biết: “Từ ngày 10-5 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị 38 bệnh nhân tả, 440 ca tiêu chảy cấp. Hiện tại bệnh viện còn 35 trường hợp tiêu chảy cấp đang điều trị trong số này có 1 ca bệnh tả. Bình quân 2 ngày gần đây, phát hiện 14 ca tiêu chảy cấp/ngày. Bệnh viện đang đối mặt với tình trạng quá tải”.

Khu cách ly điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp tại Bệnh việc đa khoa khu vực Cù lao Minh.

Khu cách ly điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp tại Bệnh việc đa khoa khu vực Cù lao Minh.

Tuần qua, ngành y tế TP Cần Thơ và tỉnh Tiền Giang chính thức xác nhận xuất hiện các trường hợp mắc bệnh tả đầu tiên.

Đó là chị Đ.T.L (38 tuổi, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long từ ngày 12-6. 4 ngày sau, mẹ chồng của chị Đ.T.L (cùng ở chung nhà tại xã Mỹ Đức Tây) được xác định mắc bệnh tả, điều trị tại Tiền Giang. Số ca nhiễm bệnh ngày một tăng nhanh, nhưng tình trạng đổ chất thải của bệnh nhân ra sông rạch rất nguy hiểm vì làm lan truyền mầm bệnh.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ bệnh tả bùng phát thành dịch, lây lan trên diện rộng vì cơ quan y tế đã xác định trên sông Mỏ Cày (chảy qua huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) và nước sông ở huyện An Phú (An Giang) có phẩy khuẩn tả.

Trong khi đó, tình trạng sử dụng nước sông trong sinh hoạt, ăn uống diễn ra rất phổ biến ở các khu vực này. Huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre hiện có hơn 30.000 hộ dân chưa có nước sạch sử dụng. Kết quả kiểm tra mẫu nước đá tại nhà trường hợp mắc bệnh tả tên Đ.T.H (xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam) là dương tính với phẩy khuẩn tả.

Ráo riết phòng chống

Trước tình hình trên ngành y tế các tỉnh ĐBSCL phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai đồng loạt biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Bác sĩ Cao Minh Lễ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn cho biết: “Đối với bệnh tả, khoảng cách giữa một ca bệnh đến hình thành ổ dịch rất ngắn. Ngay khi nhận được kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả của bệnh nhân N.T.T (xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn) chúng tôi nhanh chóng khoanh vùng dịch, cấp phát thuốc xử lý nước chloramine B cho gần 7.000 hộ dân 3 xã dọc theo tuyến kênh Đòn Dông: Phú Thuận, Vĩnh Chánh, Vĩnh Khánh”.

Trong khi đó, tại Bến Tre, ngành y tế đang mở chiến dịch phòng chống bệnh tả, tiêu chảy cấp trên diện rộng, đặc biệt vùng xuất hiện nhiều ca bệnh và vùng có nguy cơ cao, khu vực nông thôn còn nhiều người dân sử dụng nước sông rạch.

Lực lượng y tế các cấp tại các địa phương trong tỉnh đã được huy động kết hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương, sinh viên Trường Trung học y tế Bến Tre trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh và cấp phát chloramine B để người dân xử lý nước sinh hoạt, ăn uống.

Vài ngày qua, trên địa bàn tỉnh không phát sinh hoặc ít bệnh nhân mắc tả mới, số trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện cũng có chiều hướng giảm.

Còn tại “điểm nóng”, Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Minh, theo bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc, bệnh viện đã tăng cường bác sĩ, điều dưỡng lên gấp 2 lần, thành lập khu vực cách ly điều trị riêng cho bệnh nhân tả và tiêu chảy cấp. Đối với tất cả người thân nuôi dưỡng bệnh nhân tại bệnh viện đều được cho uống thuốc phòng ngừa, cung cấp thuốc, hóa chất xử lý nước, vệ sinh dụng cụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Quyết liệt hơn, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản chỉ đạo ngưng sản xuất nước đá tại các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm trong vòng 10 ngày (từ 11-6). Sau đó, nếu dịch bệnh không có chiều hướng giảm sẽ tạm ngưng sản xuất tất cả các cơ sở sản xuất nước đá trên toàn tỉnh. 

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục