ĐBSCL: Xâm nhập mặn dự báo tăng cao vào cuối tháng

Ngày 16-3, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, những ngày qua mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc có xu thế giảm khoảng 0,12m và biến đổi theo triều; tình hình mưa trên đồng bằng hầu như không xuất hiện. 
Cống đập Ba Lai góp phần giảm độ mặn cho đồng ruộng Bến Tre. Ảnh: HOÀNG TRUNG
Cống đập Ba Lai góp phần giảm độ mặn cho đồng ruộng Bến Tre. Ảnh: HOÀNG TRUNG

Theo quan sát, mùa kiệt năm 2021, lượng xả nước từ khu vực Trung Quốc xuống hạ lưu dự báo trên dưới 1.000m3/s. Trong khi mưa ở hạ lưu không đáng kể, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm, mặn có xu hướng tăng dần từ tháng 1 và các tháng của mùa khô.

Hiện tại, ranh mặn 4‰ xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính ở các cửa sông Cửu Long từ 48-70km, trên sông Vàm Cỏ từ 75-90km và trên sông Cái Lớn từ 50-55km…

Dự báo nguồn nước về thấp ngay từ đầu mùa khô, mặn bất thường có thể xảy ra ở các tháng đầu mùa khô và kéo dài tới tháng 5-2021; đồng thời có thể xảy ra những biến động bất thường theo vận hành thủy điện, cùng thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng...

Vì vậy, các địa phương ĐBSCL cần chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn. Ở vùng thượng ĐBSCL bao gồm tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và một phần TP Cần Thơ, nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, song cần tăng cường các giải pháp cấp nước ở vùng núi cao của An Giang nhằm đề phòng hạn.

Vùng giữa ĐBSCL bao gồm một phần thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre cần tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và sẵn sàng bơm khi cần. Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái.

Xâm nhập mặn cao nhất trên các cửa sông Cửu Long trong tháng rơi vào các kỳ triều cường, nhất là từ ngày 27 đến 31-3; do đó các địa phương chủ động trữ nước để ứng phó với mặn tăng. Vùng ven biển ĐBSCL gồm Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông duy trì cao trong tháng 3, giảm ở tháng 6. Cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước sản xuất và cấp nước sinh hoạt, kiểm soát chặt các cống ngăn mặn, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi mặn lên cao vào cuối tháng 3.

Tin cùng chuyên mục