Các khu nhà ổ chuột trên kênh rạch (slum) thì hầu như ở các TP châu Á nào cũng có, như ở Mumbai, Manila, Bangkok, Phnom Penh… Các TP này đã có rất nhiều chương trình di dời, tái định cư, trong số đó thành công cũng nhiều mà thất bại cũng lắm. Những dự án thành công đều là những dự án giải quyết được bài toán mưu sinh. Nếu không có công ăn việc làm, không có thu nhập, họ sẽ bán nhà, bán căn hộ đi và lại di chuyển đi chỗ khác lập ra những khu ổ chuột mới. Như thế, bài toán giải tỏa, di dời trở thành luẩn quẩn.
Nhìn lại vấn đề mưu sinh ở các dự án tái định cư
Cho đến nay, TPHCM có 2 dự án tái định cư trên kênh rạch. Một là dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1, kéo dài 19 năm từ 1993-2012, với số tiền đầu tư vào khoảng 9.000 tỷ đồng, di dời giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu sống trên đoạn kênh có độ dài khoảng 7km.
Dự án thứ hai là “Dự án thí điểm cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị kênh Tân Hóa - Lò Gốm”, còn gọi là dự án 415, kéo dài 7 năm, khởi công từ 1998 và hoàn thành năm 2005 do Chính phủ Bỉ tài trợ, tái định cư cho 166 hộ dân sống trên một đoạn kênh chảy qua địa phận phường 11, quận 6.
Ở dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, phần lớn những người dân này được đưa vào các chung cư như Rạch Miễu, Hiệp Bình Phước, Trần Quốc Thảo, chung cư Nguyễn Đình Chiểu (1A, 1B)…
Năm 2003, chúng tôi có làm một cuộc khảo sát các chung cư thuộc diện này trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu khía cạnh văn hóa - xã hội về loại hình nhà ở tại TPHCM: Lịch sử - hiện trạng - khuynh hướng”.
Kết quả thu được cho thấy, 72% người dân thuộc nhóm tái định cư không hài lòng với cuộc sống chung cư, sau khoảng 10 năm (2003) số người dân còn sống ở chung cư Trần Quốc Thảo chỉ khoảng 60%, ở Hiệp Bình Phước thì thấp hơn - còn dưới 50%.
Ở dự án 415, số tái định cư tại chỗ là 72 hộ, sau 10 năm số hộ còn trụ lại là 90%, chỉ có 7 hộ (10%) đi nơi khác do bán nhà trả nợ, số thuộc diện tái định cư di dời đến Bình Hưng Hòa A là 94 hộ, nay chỉ còn khoảng 40% còn ở lại.
Cuộc sống người dân ở chung cư tái định cư quận 2. Ảnh: Việt Dũng
Những vấn đề vừa nêu là bài học kinh nghiệm quý giá khi những năm tới đây, TPHCM tiếp tục giải tỏa 26.000 dân ở kênh Đôi (quận 8) nhằm tăng năng lực thoát nước, làm đẹp cảnh quan và sạch môi trường.
Bài viết này đề cập đến việc làm sao để người dân “an cư, lạc nghiệp” sau khi được “bứng” ra khỏi dòng kênh, đảm bảo như Ngân hàng Quốc tế (WB) yêu cầu “để cho người dân có cuộc sống bằng hoặc hơn trước khi di dời giải tỏa”.
Thực tế khi sống ở các chung cư, họ mất cơ hội mưu sinh. Khi sống ở trên kênh rạch, đúng là có nhếch nhác, bẩn thỉu nhưng họ lại có chỗ phơi các loại bao túi ni lông, giấy vụn nhặt được, có chỗ bán hàng ngay ở cửa nhà, dễ dàng khi đi bán hàng rong và làm thợ đụng.
Ở chung cư họ không có chỗ để xe ba gác, xe xích lô, xe hủ tiếu, mì gõ. Ở căn hộ chung cư sạch, đẹp nhưng khó kiếm tiền. Khi chuyển lên căn hộ chung cư, họ phải chi nhiều tiền cho các loại dịch vụ quản lý mà khi ở trên kênh không phải trả như dịch vụ bảo vệ, đèn chiếu sáng, bơm nước, gửi xe, tưới cây, vệ sinh công cộng, đổ rác…
Với người nghèo, chỗ ở cũng là chỗ để sản xuất, làm ăn. Nhà ở phải là nơi có thể buôn bán hàng tạp hóa, buôn bán rau quả, buôn bán cà phê; nhà ở là nơi sản xuất hàng thủ công như làm nhang, làm bánh, gia công túi xách, gia công cơ khí nhỏ, may quần áo, cắt tóc…, trong khi căn hộ dành cho tái định cư rất nhỏ - thường là 42m², nhiều nhất cũng chỉ 60m². Trong khi nhân khẩu của các hộ gia đình rất đông, khoảng 6 - 7 người/hộ, như vậy tính ra mỗi đầu người chỉ khoảng 4,7m² diện tích sử dụng sau khi trừ ban công, nhà vệ sinh ra. Với diện tích ấy không thỏa mãn được nhu cầu thực tế của người dân tái định cư.
Việc tái định cư di dời các hộ dân ở ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tới chung cư Hiệp Bình Chánh, và ở dự án 415 di chuyển 94 hộ dân từ phường 11, quận 6 đến Bình Hưng Hòa A, việc di dời này làm cho họ mất “vốn xã hội” (social capital) và bị tách ra khỏi “mạng lưới xã hội” (social network) đã có từ trước. Khi họ bị tách ra khỏi cộng đồng quen thuộc vốn đã sống rất lâu thì cũng là mất đi những mối làm ăn như người chạy xe ba gác chở hàng cho người buôn bán đến chợ vào mỗi buổi sáng, về nhà vào mỗi buổi chiều, mối bốc vác hàng hóa, bán hàng tạp hóa cho trẻ em, bà con xóm giềng.
Khu tái định cư ở Bình Hưng Hòa A rất ổn về chỗ ở nhưng rất nhiều người dân thuộc diện tái định cư vẫn quay về quận 6 để mưu sinh mỗi ngày, là vì ở đó họ mới có cơ hội mưu sinh, sau 10 năm thì có đến hơn 60% số hộ này sang nhượng và chuyển đi nơi khác.
Làm gì để người dân an cư?
Nên tái định cư tại chỗ tốt hơn tái định cư di dời.
Người dân khi được tái định cư tại chỗ sẽ cảm thấy an tâm hơn. Việc bứt họ ra khỏi địa bàn quen thuộc không chỉ làm cho họ khó khăn trong làm ăn mà còn làm cho họ thấy bất an về tâm lý vì cảm thấy mất chỗ dựa về tinh thần.
Trong trường hợp thiếu đất, không tái định cư tại chỗ được thì nên tìm địa điểm không xa nơi ở cũ.
Nên thay đổi quan niệm kiến trúc, thiết kế và tổ chức không gian nhà ở cho người tái định cư sao cho phù hợp. Không nên tái định cư người nghèo ở chung với người khá giả. Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nên tách rời.
Thực tế, những hộ dân ở trong các khu nhà thương mại cho dù chỉ chiếm 10% - 20% nhưng sau một thời gian họ thường bán đi nơi khác, vì các chi phí cho nhà ở thương mại khá cao so với thu nhập của người nghèo, ngoài ra có những rắc rối khác về quan hệ xã hội và thói quen sinh hoạt.
Cần thay đổi quan niệm về chức năng nhà ở cho người thuộc diện tái định cư khác với các thành phần xã hội khác.
Theo quan niệm truyền thống thì nhà chỉ để ở, tái tạo sức khỏe và tâm lý, không làm cái gì khác, như Le Corbuse quan niệm “nhà là cái máy ở”. Điều này hoàn toàn đúng với giới công chức, doanh nghiệp, những người làm công ăn lương. Nhưng không hẳn đúng với người nghèo, với họ phải “nhiều trong một” mới là tối ưu. Tức là các chức năng ở, sinh hoạt, sản xuất, thương mại, thiết lập quan hệ xã hội phải lồng vào nhau trong một không gian “đa chức năng”.
Căn hộ tái định cư thường là nhỏ, không thể lớn được vì người dân không có tiền mua, cho dù giảm giá, hỗ trợ lãi suất thấp, còn nếu cung cấp căn hộ lớn thì chủ đầu tư (nhà nước, tư nhân) không kham nổi. Những căn hộ như vậy thường là 40m² - 50m², nó quá nhỏ so với số nhân khẩu một hộ tái định cư từ 6 người trở lên, hơn nữa với diện tích nhỏ này thì các chức năng sản xuất, buôn bán không thể thực hiện được.
Nhóm thiết kế Pháp đã nâng cao trần lên đến 5m và chừa không gian cho họ tự làm gác lửng để ngủ, còn mặt bằng sàn là không gian mưu sinh. Hầu như tất cả các hộ gia đình ở chung cư tái định cư này sử dụng mặt bằng sàn làm nơi sản xuất và buôn bán.
Thiết kế hành lang rộng, hơn 3m, có nơi hơn 4m. Hành lang này không đơn giản là để đi lại giữa các tầng mà thực sự là nơi họ mưu sinh, để buôn bán, để đồ sản xuất và là nơi gặp gỡ, chuyện trò, tâm tình với nhau hàng ngày. Chính hành lang này là nơi thiết lập quan hệ xã hội. Những người giàu có, khá giả có xu hướng khép kín trong căn hộ chung cư, thì người nghèo lại có xu hướng “mở ra” với cộng đồng.
Việc thay đổi quan niệm này là rất khó, bởi những người quản lý bao giờ cũng muốn có một chung cư hoành tráng, đẹp, sạch sẽ, ngăn nắp. Việc chấp nhận “một khu ổ chuột trên cao” là điều không dễ, nhưng chúng ta phải đối mặt với thực tế và phải chấp nhận nó trên tinh thần “nhân nhượng”, “nhị nguyên”, tức là ai cũng được một chút, thiệt một chút.
Những năm 70 của thế kỷ trước, Singapore cũng có rất nhiều loại chung cư có căn hộ nhỏ về diện tích và nhiều chức năng, cũng khá luộm thuộm, nhưng theo thời gian và mức sống được cải thiện, họ dần loại bỏ các chung cư như thế để thay bằng các chung cư tốt hơn, đến nay Singapore đã trải qua 2 lần “cách mạng chung cư” và nay dần bước vào “cách mạng lần thứ 3”, mỗi lần như thế, chất lượng nhà ở và chất lượng sống được nâng cao rõ rệt.
| |
TS NGUYỄN MINH HÒA