Để Cánh đồng lớn thật sự lớn - Bài 1: Khởi động rầm rộ, nhưng teo tóp dần

Cái lợi, hiệu quả của “Cánh đồng lớn” ai cũng thấy, song quá trình canh tác dần bộc lộ nhiều bất cập khiến mô hình này có nguy cơ đứt gãy giữa chừng.

LTS: Được khởi đầu từ hơn 10 năm trước, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, sau này đổi thành “Cánh đồng lớn” mở ra một xu hướng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Khi hình thành “Cánh đồng lớn”, nông dân đã bước qua ao làng, bờ mẫu, từ bỏ cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để hình thành mô hình sản xuất lớn, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu cung cấp sản lượng lúa chất lượng cao theo yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu.

Để Cánh đồng lớn thật sự lớn - Bài 1: Khởi động rầm rộ, nhưng teo tóp dần ảnh 1 Mô hình “Cánh đồng lớn” giúp nông dân và hợp tác xã dễ dàng áp dụng cơ giới hóa
Nông dân “nhỏ” bên “Cánh đồng lớn”

Tháng 4-2022, nông dân ở các tỉnh ĐBSCL vô cùng phấn khởi vì vụ lúa đông xuân được giá, có lời khi tham gia “Cánh đồng lớn”. “Gia đình tôi tham gia HTX từ năm 2011 đến nay, năm nào trồng lúa cũng có lãi. Đặc biệt, năm nay dù giá vật tư nông nghiệp tăng, nhưng nhờ liên kết đầu ra bền vững nên mùa vụ này mỗi hécta lúa cầm chắc lãi 25-30 triệu đồng”, ông Lê Thành Nguyên, thành viên HTX Phú Xuân (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi, ông Đoàn Phương Bình, thành viên HTX Thuận Tiến (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nhớ lại: “Khoảng năm 2014, được địa phương và HTX vận động liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, tôi mạnh dạn tham gia 1,2ha đất sản xuất. Được HTX hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng bơm tưới tiết kiệm, đầu ra ổn định, nên hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt…”. Còn ông Nguyễn Văn Điền, 73 tuổi, tham gia mô hình “Cánh đồng lớn” từ những ngày đầu thành lập HTX Thuận Tiến. Với 10ha sản xuất lúa, sau mỗi vụ, ông Điền bỏ túi hàng trăm triệu đồng. “Riêng vụ đông xuân này khá hơn, bởi giá lúa được công ty bao tiêu ổn định, trừ chi phí, tôi được lãi khoảng 30 triệu đồng/ha”, ông Điền khoe.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay các tỉnh ĐBSCL thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” chiếm tỷ lệ dao động khoảng 10%-20% (tùy vụ) so với tổng diện tích sản xuất lúa toàn vùng (khoảng 1,5-1,6 triệu ha/vụ). Tuy nhiên, sau thời gian các địa phương ĐBSCL “nở rộ” mô hình “Cánh đồng lớn”, thì diện tích trồng lúa theo mô hình này có xu hướng chựng lại, thậm chí ở một vài địa phương có dấu hiệu sụt giảm.
Để Cánh đồng lớn thật sự lớn - Bài 1: Khởi động rầm rộ, nhưng teo tóp dần ảnh 2 Tổng hợp: CAO PHONG - Đồ họa: NGỌC TRÂM
Chưa như kỳ vọng Khi “Cánh đồng lớn” ra đời, cả chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp… đều nhìn thấy cơ hội để tạo sự liên kết chuỗi giá trị, từng bước chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã tồn tại nhiều năm. Đồng thời, khắc phục tình trạng nông dân sản xuất hàng chục giống lúa khác nhau trên cùng một cánh đồng, sau đó doanh nghiệp mua xô bồ, rồi pha trộn xuất khẩu.  Chính vì lẽ trên, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo chủ lực ở ĐBSCL như Công ty Gentraco, Lộc Trời, Trung An… bắt tay áp dụng khâu hỗ trợ đầu vào (giống, vật tư nông nghiệp) gắn với bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân. Hơn 7.000ha lúa mỗi năm được Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) ký kết bao tiêu với nông dân làm “Cánh đồng lớn” ở nhiều tỉnh ĐBSCL trong thời gian qua. Việc sản xuất tập trung đã đảm bảo nguồn cung lúa hàng hóa theo chất lượng để doanh nghiệp xuất khẩu cho từng thị trường theo phân khúc. Song, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ: Rất tiếc là diện tích sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” hiện nay còn ít và nhỏ giọt, chưa như kỳ vọng. TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang (nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang), cho biết, từ thập niên 1960, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp “Cánh đồng lớn” với tất cả các loại nông sản, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là cây lúa. Chính phủ đã bỏ tiền ra mua ruộng đất rồi chia lại cho nông dân; khuyến khích nông dân có những thửa đất nhỏ ở xa hoán đổi với người khác để gom lại thành từng quy mô trang trại gia đình; thống nhất phương thức sản xuất, đồng nhất cây giống, con giống, quản lý chất lượng ngay từ lúc gieo trồng, thả nuôi tới lúc thu hoạch. Từ đó tiết kiệm chi phí, dễ dàng triển khai máy móc nông nghiệp trên đồng ruộng… Sau Nhật Bản, các nước đã triển khai thành công mô hình cánh đồng lớn là Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc...  Tại Việt Nam, từ năm 2010, Bộ NN-PTNT triển khai mô hình “Cánh đồng lớn” ở ĐBSCL. Vụ hè thu 2011, vùng ĐBSCL có 8.000ha, với 6.400 hộ nông dân ở 2 tỉnh An Giang và Bến Tre tham gia trồng lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Đến năm 2015, diện tích lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” tăng 25 lần, lên tới 200.000ha, tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mà chủ yếu là những trở ngại trong khâu tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp, nên mô hình “Cánh đồng lớn” teo tóp dần. Thế là, mục tiêu quy tụ “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) vào một chuỗi sản xuất nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu chưa đạt được như kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục