Để có những ca khúc hay

Bạn đọc thân mến, hiện nay chúng ta đang đón nhận rất nhiều ca khúc mới nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán - thính giả. Bên cạnh những ca khúc hay, tác dụng tích cực đến thị hiếu thẩm mỹ, phong cách ứng xử, tư tưởng tình cảm của công chúng thì đây đó còn không ít những “hạt sạn” trong nhiều ca khúc được biểu diễn trên sân khấu hoặc băng đĩa làm phiền lòng, thậm chí bất bình trong khán giả, nhất là một số ca khúc mới nhưng lại là “nhạc nhái”, copy giai điệu của nhạc nước ngoài, hoặc ca từ rẻ tiền, giai điệu nghèo nàn, nội dung phi văn hóa...

Để góp phần mang lại những ca khúc mới có chất lượng, ca từ hay, giai điệu đẹp, bám sát hơi thở của cuộc sống đương đại, Báo SGGP mở diễn đàn “Để có những ca khúc hay” với mong muốn bạn đọc gần xa góp ý kiến, đề ra những giải pháp và điều kiện cho những ca khúc mới có chất lượng ra đời.

Sau đây là  nội dung ý kiến của bạn đọc về vấn đề này:

  • Tính nhân văn trong ca khúc đang mất dần?

Có thể nói, những ca khúc của một số nhạc sĩ sáng tác theo kiểu “mì ăn liền” là những ca khúc gây sốc, nghe phản cảm. Nó không chỉ thiếu tính lành mạnh định hướng, đạo đức thẩm mỹ, mà đang mất dần tính nhân văn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, mất dần nét đẹp thuần khiết của âm nhạc truyền thống và hiện đại Việt Nam.

Xuất phát từ nhu cầu “tự đại” của một số ca sĩ: những ca khúc mình hát phải do “chính mình” sáng tác và biểu diễn, trong khi những ca sĩ này không có khả năng làm nhạc sĩ. Bởi thế, ca sĩ đặt hàng, nhạc sĩ sáng tác theo đơn hàng, ca sĩ đăng ký bản quyền và nghiễm nhiên ca khúc đó là của ca sĩ. Những ca khúc ấy, có nhạc sĩ sáng tác một đêm… 3 bài.

Lẽ ra trách nhiệm của họ không phải sáng tác bài hát để lấy “tiền công”, mà phải định hướng cái hay, cái đẹp, cái chân thiện mỹ cho công chúng, nói đúng hơn là có trách nhiệm với xã hội. Một tác phẩm âm nhạc khi phát sóng, công diễn có tác động sâu sắc đến xã hội.

Ca khúc có khi là vũ khí đấu tranh trên nghị trường chính trị, có lúc như lời kêu gọi hiệu triệu đồng bào vùng lên đánh giặc. Có ca khúc như một bức tranh tô điểm cho đời thêm tươi thêm đẹp như “Mùa xuân nho nhỏ”, và có những bản “Tình ca” trở thành bất hủ mỗi “Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa” (Tình ca - cố nhạc sĩ Hoàng Việt)…

Các nhạc sĩ hiện nay cần lấy cảm xúc từ thực tiễn cuộc sống để sáng tác. Phải chăng lợi nhuận cá nhân cao hơn lợi ích chung?

Phải chăng những bài hát “gây sốc” là “tiêu chí” cho một số nhạc sĩ thiếu trách nhiệm với cộng đồng xã hội?

Đã đến lúc các nhà quản lý phải xem xét kỹ hơn chất lượng tác phẩm âm nhạc trước khi phát hành.

Mai Thắng
(1086 đường 30/4, P.11, Vũng Tàu)

  • Phát huy sở trường

Muốn có ca khúc hay mang hơi thở cuộc sống mới, nên chăng mỗi nhạc sĩ trẻ hãy sớm nhận ra ưu thế của chính mình để phát huy hết sở trường.

Chẳng hạn, người có khiếu sử dụng ngôn ngữ gần với thơ ca thì hãy viết tình ca, phổ thơ chọn lọc. Người có xu hướng hoài cổ và yêu thích lịch sử hãy viết ca khúc trừu tượng sâu lắng hoặc sử ca. Người có khí chất thuộc nhóm linh hoạt năng động thì hãy tham gia sáng tác nhạc rock, rap, R&B.

Cũng theo cách nghĩ ấy, nhạc sĩ viết ca khúc thiếu nhi chuyên nghiệp thường có cách quan sát tỉ mỉ, nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh phù hợp tuổi thơ. Hiện nay còn có thêm những nhạc sĩ chuyên viết ca khúc cho lễ hội cổ truyền, thể thao hoặc trình diễn thời trang vì họ có năng khiếu tư duy hình tượng và khả năng khái quát trực quan …

Các nhạc sĩ tiền bối vẫn có người thành công ở nhiều thể loại nhưng điều đó cực kỳ quý hiếm, đều là những tên tuổi lớn của Việt Nam. Như vậy, muốn có ca khúc hay, nhạc sĩ trẻ cần nhớ nguyên tắc dụng binh của ông cha ta ngày xưa “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

Cần tiết chế sở đoản, không nên ôm đồm nhiều phong cách, dù chỉ viết một loại nhạc nhưng ca khúc hay thì vẫn được đón nhận. Ca khúc hay chỉ đến khi mỗi người biết đầu tư chuyên sâu cho trường phái của mình.

Nguyễn Quý Toàn (Q.1 – TPHCM)

  • Sáng tạo nhưng không lai căng

Nhiều người hiện nay rất dị ứng với những ca khúc tuổi mới lớn với ngôn từ và đề tựa rất tùy tiện và hời hợt như: Xin lỗi em, Anh không nhắn tin cho em được vì máy anh… hết pin, Kiếp đàn ông, Người đàn ông tham lam… Có thể nói gu âm nhạc của mỗi người thể hiện trình độ kiến thức âm nhạc của người đó. Những bài như trên thể hiện một lối sống buông thả, yêu đương quá sớm.

Thế hệ của ba mẹ các em từng có những ca khúc vàng về tình yêu quê hương, đất nước và cả tình yêu cá nhân nhưng vô cùng ý nghĩa, sâu lắng và thật dịu dàng.

Đáng lo lắng khi một bộ phận giới trẻ cứ nghêu ngao những lời ca bi lụy, tình ái sướt mướt, toàn là chuyện tình tay ba, tay tư như kiểu… phim Hàn quốc. Những ngôn từ sầu não đó đang có tác động xấu đến thanh thiếu niên.

Đề nghị có chế tài cụ thể đối với các nhạc sĩ sản xuất ra những “sản phẩm dỏm” kia. Trước khi lưu hành album ra thị trường, cơ quan cấp phép cần chặt chẽ để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Diệu Hoàn

  • YẾN NGỌC (TPHCM): Để cái mới lên tiếng

Khi đi vào mổ xẻ những cái được và chưa được của ca khúc do các nhạc sĩ trẻ sáng tác, chúng ta cần có cái nhìn cởi mở hơn, không chỉ đơn thuần đổ lỗi cho người sáng tác. Khi các nhà quản lý chưa tìm được giải pháp tối ưu thì đừng vội trách các nhạc sĩ trẻ.

Khá nhiều ca khúc của các tác giả trẻ được giới trẻ đón nhận, cổ vũ nhưng giới chuyên môn còn khắt khe! Trước những cái mới, thậm chí cái khó hiểu… cần bình tĩnh thẩm định.

Thiết nghĩ, việc đào tạo các nhà làm công tác lý luận, phê bình âm nhạc chuyên nghiệp hơn là điều hết sức cần thiết. Nó tạo tiếng nói đề cao cái được, phê phán những gì chưa được trong một tác phẩm. Đó chính là một trong những biện pháp thúc đẩy sự phát triển cho ca khúc trong xu thế hội nhập, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vừa giữ được cốt cách dân tộc.

Cứ để cho cái mới lên tiếng với sự dõi theo và giúp đỡ của các nhà quản lý có chuyên môn vì trong cái mới nhất định sẽ có những cái riêng, cái hay đích thực.

  • ĐOAN NGUYỄN (Đà Nẵng): Ra ngõ… gặp nhạc sĩ!

Hiện nay, dòng nhạc thị trường, nhạc trẻ đang phát triển với những diễn biến phức tạp. Những ca khúc “mì ăn liền” liên tục ra đời, đi kèm cùng nhiều tên tác giả lạ hoắc. Các tác giả “say” sáng tác nhưng thiếu sự đầu tư, chăm chút.

Dù biết rằng ca khúc thị trường bị quên lãng mau chóng nhưng các tác giả vẫn mặc kệ, chỉ thương cho khán giả trẻ bị quay cuồng trong sự hoang mang, thiếu định hướng đúng về nghệ thuật âm nhạc.

Có thể điểm một số ca khúc có tên rất “sốc”, ca từ rẻ tiền, giai điệu nghèo nàn: Người ấy và con cha phải chọn?, Người ta nói em chỉ vui qua đường, Đời vợ bé… Nhiều tác giả còn chạy theo sự nổi tiếng của ca khúc Kiếp đỏ đen (Duy Mạnh) bằng cách cho ra đời của hàng loạt “kiếp” khác: Kiếp dại gái, Kiếp hoa đêm, Kiếp đẹp trai, Kiếp đánh đề…

Đáp ứng nhu cầu thị trường là điều bình thường, nhưng điều đáng lo ngại là một số nhạc sĩ đã quá cẩu thả, dễ dãi trong sáng tác. Ngay cả các ca sĩ cũng tự mình sáng tác nhạc. Có không ít ca khúc dành cho tuổi teen sống chỉ được vài tuần, cao lắm trụ được vài tháng rồi “mất hút” trên thị trường âm nhạc.

Thiết nghĩ, để có những ca khúc hay, việc trước mắt nên làm là siết lại khâu thẩm định và cấp giấy phép đối với ca khúc mới, định hướng cho khán giả đón nhận. Những người sáng tác trẻ phải được nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật, được học hành bài bản.

Khi các tác giả trẻ bám sát đời sống và có trách nhiệm với những sản phẩm nghệ thuật, tin chắc mặt bằng sáng tác ca khúc sẽ được nâng lên.

  • TUYẾT NHUNG (Bình Định): Ca khúc hay trong phim

Một ca khúc nhạc phim hay sẽ là chìa khóa làm cho bộ phim thành công, đặc sắc hơn. Và phim Việt Nam lâu nay đã chú trọng vấn đề này.

Trên thế giới, thành công của bộ phim Titanic và bộ phim Trái tim mùa thu đều có những khúc ca nhạc phim tuyệt vời. Giai điệu du dương, trầm ấm mau đưa “hồn” phim đến với khán giả. Để rồi những bộ phim này nhanh chóng nổi tiếng thế giới, khu vực. Nhạc phim có quan trọng như thế đấy.

Phim Việt Nam cũng có một số ca khúc nhạc phim nổi tiếng. Ca khúc trong phim TH dài tập Đồng tiền xương máu của TFS, Những nẻo đường phù sa của Hãng phim Tây Đô… đã đưa nhạc sĩ Bảo Chấn nổi tiếng trong giới làm nhạc phim. Bộ phim Hướng nghiệp phần 2 cũng có ca khúc “Nắng hồng trong mắt em” do ca sĩ trẻ Hà Bảo Thu và nhóm bè Cadilac trình bày rất rộn ràng, có ý nghĩa. Với “số vốn” vài chục bài hát trong phim, Bảo Phúc đang giữ kỷ lục về sáng tác.

Một số phim TH khác cũng có nhạc phim rất hấp dẫn như trong phim Dốc tình, Hàn Mặc Tử, Hương phù sa. Ở thể loại phim nhựa phải kể đến ca khúc đầy máu lửa như “Tôi là ai, em là ai” của Kasim Hoàng Vũ trong phim Những cô gái chân dài…

Nếu phát huy ưu thế của nhạc phim thì phim Việt sẽ dễ lan tỏa tới khán giả nhiều hơn nữa.


  • Nguyễn Tiến Đạt (GĐ Bảo hiểm xã hội Đức Trọng – Lâm Đồng): Tăng thêm sức sống loại hình hành khúc hùng tráng

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vai trò của những hành khúc hùng tráng chiếm vị trí hết sức quan trọng, khích lệ, thôi thúc đồng bào, chiến sĩ trên mỗi bước chân, mỗi chặng đường cách mạng. Có thể nào quên được dũng khí hào hùng từ những bản trường ca bất hủ “Lên đàng”; “Hò kéo pháo”; “Giải phóng Điện Biên” … đến “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”; “Tiến về Sài Gòn”; “Giải phóng miền Nam” v.v … mãi mãi trường tồn cùng năm tháng, cùng lịch sử. Vì vậy, muốn có những ca khúc hay cần định hướng đúng nhu cầu thưởng thức âm nhạc cho quảng đại quần chúng, đặc biệt là giới trẻ thanh, thiếu niên.

Một trong những giải pháp là chú ý đến việc sáng tác và biểu diễn loại hình hành khúc truyền thống có sức cảm hóa, thu hút lòng người. Hàng năm, tổ chức hội thi tuyển chọn những bài hành khúc hay, mang ý nghĩa thời sự, phản ánh cuộc sống sôi động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các sự kiện trọng đại, những thành quả to lớn gặt hái trong sự nghiệp đổi mới, có giải thưởng xứng đáng, giá trị cho bài hát, ca sĩ đoạt giải.

Điều chỉnh hợp lý nhu cầu thưởng thức âm nhạc không chỉ là mảnh đất giàu dinh dưỡng cho nẩy mầm ca khúc hay, nó còn là liều vaccine hiệu nghiệm kháng thể, miễn dịch nhằm bài trừ luồng gió độc hại do tiếp thu thiếu chọn lọc các trào lưu âm nhạc nước ngoài làm ô nhiễm môi trường văn hóa của chúng ta.

  • Nguyễn Văn Trường ( 209 B7 khu năm tầng P7 Vũng Tàu): Cần sớm đưa âm nhạc Việt Nam hội nhập với thế giới

Nền âm nhạc đương đại Việt Nam đang hòa nhịp cùng với âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, con đường đưa âm nhạc nước nhà hội nhập và so sánh với các nền âm nhạc tiên tiến thì vẫn còn khá xa. Một trong những yếu tố quyết định chính là những ca khúc hay, có thể tồn tại lâu dài. Nhìn sang những nước có nền âm nhạc mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan họ đầu tư lớn cho việc sáng tác ca khúc, bên cạnh các yếu tố như trang phục, vũ đạo, phong cách biểu diễn... Hòa âm phối khí cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để giúp những giai điệu, ca từ trở nên hay hơn, hấp dẫn hơn.

Cùng với sự hội nhập kinh tế, các nhạc sĩ được tiếng là “mát tay” trong sáng tác ca khúc thường được các nhà làm phim hay các ca sĩ nổi tiếng “đặt hàng”. Chính vì vậy, việc sáng tác ca khúc một phần bị thương mại hóa. Nhạc sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng thường thiếu cảm xúc, cảm hứng bị gò ép, giả tạo.

Bên cạnh những nhạc sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều ca sĩ sáng tác. Tuy nhiên, những sáng tác của ca sĩ thành công rất ít. Đa số những bài hát này chỉ “sống” được khoảng 2 tuần. Do đó nên có những khóa đào tạo dành riêng cho những ca sĩ muốn sáng tác. Cần sớm xúc tiến với các kênh truyền hình ca nhạc lớn như MTV, để đưa âm nhạc Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đây sẽ là niềm khích lệ rất lớn cho giới nhạc sĩ nước ta. Bởi vì khi đó, họ không chỉ sáng tác vì cảm hứng của cá nhân, mà còn sáng tác cho nền văn hóa của dân tộc.

Hy vọng một ngày không xa, khi mở các kênh truyền hình như MTV, mình sẽ được thấy những ca khúc Việt Nam do ca sĩ Việt hát, chứ không chỉ các bài hát Âu Mỹ hay Thái Lan, Hàn Quốc.

  • Đức Lan (Q.9 - TPHCM): Ca khúc hay phục vụ cộng đồng

Cần đưa những ca khúc hay vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng như một tiêu chuẩn phúc lợi tinh thần của xã hội. Với những nhạc sĩ đã có nhiều ca khúc nổi bật, họ cho rằng việc tài trợ sáng tác không quá quan trọng, vấn đề nhạc sĩ quan tâm là sự hỗ trợ của Nhà nước khi đã có “thành phẩm”, chính là hoạt động biểu diễn. Chẳng hạn, mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật, có thể tổ chức biểu diễn theo hình thức thiện nguyện tại một số trung tâm văn hóa và quảng trường lớn. Sau đó, ở mức cao hơn, tặng đĩa hoặc bản nhạc in sẵn cho khán giả.

Dĩ nhiên, ca khúc hay phải thông qua sự thẩm định của giới chuyên môn có uy tín. Nếu được như vậy, sẽ tạo ra một phong trào mới, đại đa số công chúng sẽ được đón nhận những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật. Mặt khác, khi tác quyền âm nhạc được bảo đảm hơn trước (như quá trình truy thu tiền tác quyền đang diễn ra), chỉ cần “tín hiệu xanh” của Nhà nước cùng các nhà tài trợ trong việc biểu diễn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều ca khúc hay đến với công chúng.  

  • NGUYỄN SINH (TPHCM): Nhạc trẻ Việt Nam đi tìm... ca từ đẹp!

Thời gian gần đây, xuất hiện một lớp nhạc sĩ mới với các tác phẩm dễ nghe dễ hát và cũng rất… dễ quên. Ai mà chẳng phát sốt khi nghe các bài hát “bình dân” đến mức trần tục, kiểu như “Lời sám hối của kẻ hấp hối”, “Người gian dối sẽ gặp kẻ dối gian”, “Kiếp xì ke”, “Kiếp bán độ”…

Trước đây, mỗi khi nhắc tới nhạc Trịnh Công Sơn, người ta hay mường tượng ra một bài thơ đẹp về tình yêu, về tình người, về quê hương. Hay nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng được nhớ đến với các bài tình ca trầm buồn.

Còn thời gian về sau, người yêu nhạc nhẹ đã từng yêu thích nhiều nhạc phẩm của Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Võ Thiện Thanh, Thanh Tùng, Từ Huy… Các nhạc sĩ này ít nhiều cũng đã góp phần cho mọi người thấy được sức trẻ và nét Việt trong giai điệu cũng như trong ca từ...

Còn bây giờ, khá nhiều các ca khúc khi hát lên nghe cứ hao hao giống nhau, lúc thì giống về giai điệu, lúc lại mô phỏng nguyên xi khuôn hòa âm. Lời ca thì rên rỉ, và khi trình diễn thì chỉ biết gào thét. Việc tìm đến các ca khúc mới cùng phong cách nhạc mới lạ hơn là nhu cầu của công chúng. Song sự xuất hiện của không ít nhạc sĩ trẻ với những ca từ “loạn xạ”, “tự nhiên chủ nghĩa” chỉ khiến cho nhạc Việt càng mất dần hình ảnh đẹp vốn có.   

  • LÊ TĂNG ĐỊNH (11/4 Quang Trung, P14, Gò Vấp): Ca khúc hay phải mang hơi thở cuộc sống

Đã là ca khúc hay trước hết nó phải mang hơi thở của cuộc sống, nghĩa là nó phải được nhạc sĩ sáng tác bằng chất liệu thực do nhạc sĩ đã từng trải nghiệm.

Hiện nay trong quá trình hội nhập, chúng ta giao lưu với nền âm nhạc thế giới, ở đó có cái hay và cái chưa phù hợp với nền văn hóa chúng ta. Tuy nhiên, phải biết chọn lọc. Một số nhạc sĩ trẻ còn non tay chưa biết “gạn đục khơi trong” mà chỉ biết bắt chước, nhái, copy, do họ rất lười đi xâm nhập thực tế để tìm chất liệu cuộc sống cho bản nhạc của mình. Họ chỉ ngồi nhà và nghe những ca khúc của nước ngoài đang được bạn trẻ yêu thích, rồi viết lời, sửa chút giai điệu để biến của người ta thành sản phẩm của mình.

Có khi họ lười đến mức bê nguyên xi nhạc của người ta hay sáng tác theo thị hiếu đơn giản của một số bạn trẻ đặt hàng, viết liên tục những ca khúc ngớ ngẩn, vô hồn vô nghĩa và không cần biết “đứa con” của mình sống chết thế nào trong lòng người nghe, chỉ cần có tiếng là nhạc sĩ là thỏa mãn.

Đã đến lúc Hội Âm nhạc Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ về sáng tác nhạc, tổ chức những chuyến đi thực tế về cơ sở và mở những khóa học nâng cao sáng tác âm nhạc cho các nhạc sĩ trẻ với sự hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm của những nhạc sĩ có tên tuổi. Cũng cần có hội đồng kiểm duyệt đủ trình độ để thẩm định những ca khúc mới và ngăn chặn những ca khúc “sạn” không bị lọt lưới. Phải xử phạt nghiêm minh đối với những nhạc sĩ đạo nhạc. Ngoài ra, cần giúp đỡ cho nhạc sĩ trẻ được phổ biến ca khúc của mình trên sóng phát thanh, truyền hình, giúp họ tham gia sinh hoạt trong Hội Âm nhạc, có như thế những nhạc sĩ trẻ mới có điều kiện sáng tác những ca khúc hay phục vụ công chúng và xã hội.

  • NGUYỄN HỒNG VIỆT (Khoa Kinh tế luật ĐHQG TPHCM): Cần có sự nỗ lực của nhạc sĩ, giới truyền thông và người nghe

Là một người yêu nhạc Việt và luôn ủng hộ nền âm nhạc nước nhà, tôi đánh giá cao những ca khúc được đầu tư sáng tác công phu của những nhạc sĩ trẻ, có triển vọng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả một quá trình thì số những ca khúc, nhạc sĩ trẻ có tâm huyết chỉ là thiểu số. Những bạn trẻ, cụ thể là một phần sinh viên, những công nhân tại các khu công nghiệp hiện đang nghe một thứ âm nhạc không thể chấp nhận.

Quá nửa những ca khúc trên thị trường hiện nay là các bài thất tình, chia ly, khổ đau khiến người nghe có thể cảm thấy chán đời hoặc nhức đầu vì bị “tra tấn” quá nhiều. Để có một ca khúc hay, theo đúng nghĩa hay thì tôi nghĩ chúng ta cần cho những ca khúc mới có nhiều điều kiện đến với công chúng qua các chương trình ca nhạc quần chúng, thậm chí là các chương trình lớn được trình chiếu, phát trên truyền hình, truyền thanh (dĩ nhiên phải qua các khâu kiểm tra ca từ, giai điệu).

Đây sẽ là một động lực lớn giúp các nhạc sĩ trẻ có thêm hứng thú. Những nhạc sĩ trẻ này có người được đào tạo tại các nhạc viện một cách bài bản. Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ chỉ biết nhạc lý sơ sài nhưng cũng có một số ca khúc hay. Đại đa số các bài hát này đến với người nghe qua internet.

Sẽ thật thiếu sót nếu như không nói đến trách nhiệm của các đơn vị truyền thông. Các đài truyền hình, phát thanh đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa âm nhạc đến với người nghe. Những người nghe nhạc cũng là đối tượng, mục tiêu cuối cùng mà âm nhạc muốn hướng tới. Thái độ khán thính giả cũng chiếm một phần quan trọng trong sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà.

Theo một cuộc khảo sát bỏ túi với 100 người sống và học tập tại làng Đại học nơi tôi đang sống thì có đến 40 người không quan tâm đến nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Họ tìm đến những ca khúc nước ngoài. Bộ phận này quá bi quan và luôn có cái nhìn tiêu cực, do đó những ca khúc thực sự hay không thể đến với họ. Như vậy, những chương trình nâng cao ý thức tự hào, cổ động cho nhạc Việt cần được thực hiện để họ có sự đánh giá khách quan hơn.

Tôi tin là một ngày không xa, những ca khúc hay sẽ dần chiếm thị phần của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. 

  • NGUYỄN ÂN THÀNH (Quận 1 - TPHCM): Khi nhạc sĩ không theo thị hiếu

Thời gian qua, không để nhạc lai căng lấn át, tính tự trọng nghề nghiệp đã hối thúc nhiều nhạc sĩ có trách nhiệm và tâm huyết sáng tác được nhiều ca khúc mới sống trong lòng khán giả. Trước sự tác động của thị trường âm nhạc đảo chiều liên tục theo thị hiếu ngoại nhập, nhiều nhạc sĩ vẫn duy trì sự ổn định phong cách viết, cách chọn đề tài thuần Việt, hướng tới vẻ đẹp của tình mẫu tử, tình bạn trong sáng, tình yêu thủy chung, ca ngợi đất nước, chiêm bái và tôn vinh lịch sử dân tộc.

Ở hướng khác, nói về sự “quay quắt” đến mức bất ngờ của thị hiếu, dân trong nghề thường ví von nhạc trẻ của ta chẳng khác… chứng khoán và vàng! Cách đây chưa lâu là nhạc não tình khuynh đảo từ đại nhạc hội len vào sân khấu hoành tráng.

Sau đó là cuộc đổ bộ của nhạc rock, rap. Tiếp theo đó là sự ăn khách bất ngờ của dòng dân gian đương đại, rồi sự bùng nổ nhạc teen nhí nhảnh và hiện nay thị hiếu đang “trở lại đường xưa” với pop-ballad êm dịu cùng R&B trúc trắc gợi cảm đến mức… đỏng đảnh!

Trước nhu cầu đại trà khó lường như vậy, có nhạc sĩ cho rằng “việc nắm bắt nó hãy dành cho các nhà làm băng đĩa”, còn giới sáng tác muốn có bài hay thì vẫn phải “theo một nguyên tắc bất thành văn là phù hợp tâm lý người Việt, giàu tình cảm nhưng không ủy mị, chuyển tải những ý tưởng sống đẹp”.

Về hướng phổ cập, hiện nay trào lưu nghe nhạc online đang bùng phát cùng với kiểu bình chọn top ca khúc tuần, tháng… theo mô hình MTV. Qua nhạc mạng, khán giả có thể chắt lọc để tiếp cận nhiều ca khúc hay từ các tay viết trẻ được đào tạo bài bản đang bước vào nghề. Từ đó, giới showbiz Việt vẫn hy vọng, nếu đã từng có tiểu thuyết “ấn hành” trên blog thì mai kia cũng sẽ có nhiều show diễn chọn lọc được tác phẩm hay từ nhạc online.

Rõ ràng ca khúc hay ở thời điểm nào cũng chỉ xuất phát từ rung động thực sự của tâm hồn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương kể, những năm gần đây mỗi lần ghé thăm chốn xưa, ông thường khẽ hát bài “Về quê” của mình, đến đoạn “…kìa dáng ai như dáng mẹ, dáng chị tôi…” thì ông lại khóc. Rung cảm chân thực trào dâng từ trái tim người viết nhạc cũng giúp nhạc sĩ Trần Tiến có thêm các bài mới đầy cảm xúc như “Chị tôi”, “Quê nhà”.

Nhạc sĩ Lê Quang cũng cho biết, khi nghe đồng đội cũ của anh kể lại một chuyện tình đẹp, tuy mối tình không thành và người con gái đã về bến khác nhưng từ câu chuyện ấy, ca khúc “Đi về nơi xa” ra đời và gần đây là “Miền cát trắng” với hoài niệm thanh khiết được nhiều người yêu thích.

Trong bối cảnh không ít người viết nhạc ăn xổi “nghe rồi quên”, chỉ có nhạc sĩ thực sự yêu nghề, chịu khó suy ngẫm mới đủ kiên nhẫn sáng tạo. Không thể thống kê hết, tôi muốn gọi những người viết nhạc có tâm huyết là những “nhạc sĩ cống hiến” đang góp phần nâng cao tính thẩm mỹ, định hướng thị hiếu, để phân biệt rõ với các sản phẩm âm nhạc pha tạp thô thiển đang làm mất phương hướng cảm thụ lành mạnh.

Điều đó càng cho thấy là những ca khúc hay chỉ có được khi nhạc sĩ không nương theo thị hiếu tầm thường.

Tin cùng chuyên mục