Ngày 21-5, trả lời về khả năng di dân đang bị mắc kẹt trên biển được phép định cư tại Australia hay không, Thủ tướng Australia Tony Abbott khẳng định: sẽ không có bất cứ di dân nào được đặt chân lên đất Australia.
Lý giải cho sự kiên quyết trên, ông Abbott cho biết nếu để di dân được định cư tại Australia không khác gì khuyến khích việc di dân và như vậy, vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trước Australia, Thái Lan cũng không chấp nhận lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế đón người di cư vào đất liền. Malaysia và Indonesia thì cho biết “sẽ cho di dân chỗ ở tạm thời” nhưng không xác định rõ cụ thể thời gian nào. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Mỹ “đang xem xét các đề nghị cung cấp viện trợ tài chính” và “đang xem xét cẩn thận” đề xuất tái định cư người di cư đang trôi dạt trên biển.
Vậy tại sao các nước trên lại khoanh tay đứng nhìn cảnh hàng ngàn di dân trên các con tàu trôi nổi trên biển đang phải đối diện với cái chết? Hãng BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc các nước lo sợ đón nhận di dân vượt quá khả năng cho phép, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, xã hội là lý do chính dẫn đến chuyện họ nói không với di dân. Điều này từng được Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đề cập khi cho biết Malaysia nói riêng và các nước nói chung không thể tiếp nhận di dân thêm nữa bởi số lượng di dân trên nước họ quá lớn. “Chúng tôi phải tính đến lợi ích của quốc gia, về vấn đề xã hội và an ninh”, ông Aman nói.
Ngoài ra, việc 3 nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia không ký kết Công ước tị nạn năm 1951 nên họ không bắt buộc phải tiếp nhận di dân. Mặc dù vậy, theo New Straits Times, trong những năm qua, Malaysia đã phải tiếp nhận hơn 45.000 người di cư bất hợp pháp. Thái Lan và Indonesia cũng phải bố trí định cư cho hàng ngàn người vì lý do nhân đạo.
Thống kê của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho hay, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, số di dân vượt biển để đến Thái Lan, Indonesia và Malaysia vào khoảng 25.000 người, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, chỉ có gần 3.000 người may mắn được 3 nước trên đưa vào bờ sau khi Thái Lan phá vỡ một đường dây buôn người khiến họ bị bỏ rơi trên biển. Hiện ít nhất có 2.000 người đang bị mắc kẹt trên những con thuyền không nước, không thực phẩm trong hơn 40 ngày qua ở ngoài khơi Myanmar.
Trước thực trạng báo động về người di cư, Thái Lan dự kiến tổ chức một hội nghị vào ngày 29-5 tới với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á và kỳ vọng sẽ tìm được một lối thoát cho vấn đề nhức nhối này.
Tuy nhiên, không ít người quan ngại rằng hội nghị sẽ khó đạt được mục tiêu đặt ra trong bối cảnh các nước liên quan còn đang “mải mê” cáo buộc, đổ lỗi cho nhau nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Trước diễn biến trên, LHQ cho rằng chính phủ các nước trong khu vực trước hết hãy cứu những người di cư trước, rồi sau đó mới tính đến các giải pháp dài hạn.
Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, việc chính phủ các nước trong khu vực đẩy các thuyền chở người di cư trở lại biển trong khi vẫn cam kết triệt phá các đường dây buôn người chẳng khác gì “trò chơi bóng bàn với con người”.
Ông Ban Ki-moon cho rằng chính phủ các nước phải có trách nhiệm bảo vệ những nạn nhân của nạn buôn người và người tị nạn. Giới quan sát nhận định hội nghị tại Thái Lan sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm bởi đây sẽ là bài trắc nghiệm về sự đoàn kết, thống nhất khi giải quyết một vấn đề hóc búa của khu vực.
ĐỖ CAO