TPHCM đang dồn sức chỉnh trang đô thị để tái tạo một bộ mặt xanh - sạch - đẹp và văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, bộ mặt mới đang bị lấm bẩn vì tình trạng xả rác bừa bãi khiến nhiều người dân bức xúc…
Tốn bộn tiền vì rác
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho hay, hàng năm đã chi hàng trăm tỷ đồng cho việc quét đường, thu gom rác. Sở cũng phát động rất nhiều phong trào, chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường như xây dựng khu phố không rác, tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ, tập huấn cho hơn 1.000 lượt doanh nghiệp, phát hành sổ tay và tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường... Tuy vậy, những biện pháp này dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Mỗi khi thành phố lên kế hoạch tổ chức lễ hội để đón chào sự kiện nào đó, đi kèm với niềm vui đón chờ của nhiều người dân thành phố bao giờ cũng có nỗi lo về vấn nạn xả rác bừa bãi sau lễ hội. Mới đây nhất là lễ hội chào đón năm mới 2017 diễn ra tại trung tâm thành phố cũng không nằm ngoài “quy luật” xấu xí ấy khi hình ảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ được trang hoàng đẹp với đèn hoa lại bị lem luốc vì rác vươn vãi khắp nơi. Không chỉ ở mức độ làm bẩn thành phố, vấn nạn xả rác bừa bãi đang gây trở ngại lớn cho mục tiêu chỉnh trang đô thị của TPHCM. TPHCM đã lên kế hoạch tập trung cho công tác di dời người dân sống trên và ven kênh rạch, các chung cư cũ, xuống cấp. Không chỉ để cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân mà việc sắp xếp còn giúp thành phố có thêm quỹ đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan đô thị.
Để kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xanh - sạch hơn, thành phố đã tốn hơn 650 triệu USD. Sau cuộc đại cải tạo đó, ngân sách lại phải tiếp tục chi cho việc vớt hàng chục tấn rác mỗi ngày trên dòng kênh này. Tuy nhiên, do ngân sách có hạn nên không phải dòng kênh, rạch nào cũng được may mắn như vậy. Lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết, mỗi năm phải chi gần 700 triệu đồng để khơi thông rạch Bùi Hữu Nghĩa vì dòng chảy bị ách tắc do người dân cất nhà lấn chiếm và xả rác bừa bãi. Sắp tới, con rạch này sẽ bị thay bằng cống hộp. Dù các chuyên gia về quy hoạch đô thị tỏ ý tiếc nuối vì cống hộp thay rạch sẽ giảm diện tích mặt thoáng, cây xanh, nhưng lãnh đạo địa phương cho rằng để không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân thì đây là giải pháp phù hợp đối với một con rạch đã bị tắt nghẽn. Tương tự, rạch Hy Vọng ở quận Tân Bình và nhiều con rạch khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, trong đó có nguyên nhân “đóng góp” lớn của vấn nạn xả rác bừa bãi.
Rõ ràng, nạn xả rác bừa bãi đang “đạp phanh” trong quá trình tạo dựng bộ mặt mới của thành phố. Vì thế, cùng với quá trình chỉnh trang đô thị nên “chỉnh” cả thói quen vứt rác bừa bãi của người dân thành phố.
Vớt rác từ rạch Bùi Hữu Nghĩa chảy ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: CAO THĂNG
Quy định nhiều, phạt không bao nhiêu
Ngày 2-1-2017, Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế cho Nghị định 179/2013) đã chính thức có hiệu lực. Nghị định mới quy định chi tiết và mức phạt cũng cao hơn rất nhiều so với nghị định cũ, trong đó Điều 20 quy định mức phạt dành cho vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 - 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, phạt từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước. Cùng với việc phạt tiền, người vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu.
Bên cạnh đó, trị vấn nạn xả rác bừa bãi còn có Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, điều 7 của nghị định quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung; đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung; nuôi động vật gây mất vệ sinh, để động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng. Còn đối với các hành vi như đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng; để rác gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh... mức phạt tiền sẽ từ 1 - 2 triệu đồng.
Theo các chuyên gia về phát triển đô thị, mức phạt hành chính cao cũng là biện pháp hiệu quả để người dân e ngại mỗi khi có ý định vứt rác bừa bãi nhưng nó phải trở thành hiện thực chứ không phải hình thức nằm trên giấy. Rác vứt vươn vãi khắp nơi nhưng những trường hợp bị xử phạt vì xả rác bừa bãi ở nơi công cộng, trên thực tế, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, quy định dù có nghiêm ngặt vẫn chưa đủ tính răn đe, chưa đi vào cuộc sống. Bên cạnh việc lập biên bản phạt nóng, các chuyên gia cũng cho rằng thành phố cần triển khai cả phương án phạt nguội vì ngày càng có nhiều tuyến đường được lắp camera theo dõi an ninh, các địa phương nên tích hợp thêm chức năng phát hiện, phạt nguội người xả rác.
Khánh Lê