Để gia cầm lậu tuồn qua biên giới: Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân, trong đó nguồn lây nhiễm chủ yếu từ gia cầm và chim đang rình rập từ nước ngoài, từ 2 giờ sáng 26-4, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đã trực tiếp xuống kiểm tra công tác kiểm soát, ngăn chặn gà thải loại, gia cầm không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối lớn nhất ở miền Bắc là chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội).

* Đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi chim yến

(SGGP).- Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân, trong đó nguồn lây nhiễm chủ yếu từ gia cầm và chim đang rình rập từ nước ngoài, từ 2 giờ sáng 26-4, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đã trực tiếp xuống kiểm tra công tác kiểm soát, ngăn chặn gà thải loại, gia cầm không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối lớn nhất ở miền Bắc là chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội).

Theo Ban quản lý chợ Hà Vỹ, mỗi đêm có khoảng 30 - 40 tấn gà nhập về đây, song gia cầm đều được kiểm soát và có chứng nhận nguồn gốc. 16 đầu nậu chuyên kinh doanh gà Trung Quốc thải loại nửa năm trước với khối lượng vài chục tấn/ngày đã chấm dứt hoạt động, một số chuyển sang kinh doanh gà mía. Từ ngày 16-4 đến nay, sau khi rộ dịch cúm gia cầm, lực lượng giám sát tại chợ đã tăng lên gấp 3 lần với 3 vòng kiểm soát chặt chẽ.

Từ buổi kiểm tra, thị sát trực tiếp tại chợ gia cầm Hà Vỹ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Hà Nội là địa bàn tiêu thụ gia cầm chủ yếu ở miền Bắc, vì vậy các giải pháp tăng cường quản lý, siết chặt kinh doanh gia cầm lậu phải được duy trì và thể chế hóa, tạo thành nề nếp lâu dài. Hiện nay gà thải loại nhập lậu cơ bản được ngăn chặn nhưng không thể lơ là và cần chủ động ngăn chặn các biến tướng mới như: chuyển thành gà đã giết mổ trước khi tuồn vào thị trường trong nước… tuy nhỏ lẻ nhưng gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Việc ngăn chặn cũng cần phải làm mạnh, làm nghiêm ngay từ các vùng biên giới với quan điểm nơi nào để xảy ra hiện tượng buôn gia cầm lậu qua biên giới, người đứng đầu chính quyền địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, do nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm như H5N1, H7N9 nên sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ siết chặt công tác kiểm dịch, tăng cường thanh tra công vụ toàn quốc và sẽ có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về quản lý giấy kiểm dịch thú y.

* Ngày 26-4, thông tin từ Bộ NN-PTNT, để đẩy mạnh việc ngăn chặn dịch đồng thời giảm thiểu thiệt hại, bộ này vừa có công văn yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân bị thiệt hại do chim yến nuôi bị bệnh trong thời gian qua, để Bộ NN-PTNT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục xử lý đàn chim yến được phát hiện mắc virus cúm gia cầm theo hướng tiêu hủy ngay và tiêu độc khử trùng môi trường ở nơi nuôi chim yến. UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh đối với các đàn chim yến chưa bị mắc dịch để phát hiện và xử lý kịp thời. Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) có trách nhiệm tổng kết kinh nghiệm phòng chống dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến.

PHÚC VĂN
 

Điều chỉnh giá trứng gia cầm là hợp lý 

(SGGP).- Chiều 26-4, Sở Công thương TPHCM đã họp với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm tham gia bình ổn thị trường nhằm triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa cung ứng thị trường dịp lễ 30-4 và 1-5.

Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Ngọc Đào cho biết, ngày 24-4, các sở, ngành chức năng đã cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá trứng gia cầm tăng 2.000 - 3.000 đồng/chục, do nguyên liệu đầu vào tăng, mặt hàng trứng gia cầm đã ổn định ở mức thấp trong một thời gian khá dài nên chưa khuyến khích được nông dân phát triển tổng đàn. Mặt khác do thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất đẻ trứng của gia cầm, khiến nguồn cung bị giảm nhẹ.

Về công tác chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho các ngày lễ sắp tới, hiện các doanh nghiệp tham gia bình ổn cung ứng mặt hàng thịt gia cầm như Phạm Tôn, San Hà, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn,… đã đăng ký điều chỉnh giảm giá bán bình quân 2.000 đồng/kg. Cụ thể, gà thả vườn làm sẵn từ 48.000 đồng/kg giảm còn 46.000 đồng/kg. Công ty Vissan cũng thực hiện khuyến mãi, giảm 5% - 10% giá bán lẻ nhiều
mặt hàng... 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục