Xem phim “Dưới cờ đại nghĩa”

Để hiểu hơn chính mình

Để hiểu hơn chính mình

78 tập phim. Quãng thời gian dài suốt trăm năm, từ tiếng súng của quân xâm lược De Genouilly tiến vào Cần Giờ chiếm thành Gia Định năm 1859 đến cuối thập niên 40, khi Bảy Viễn quyết định về thành theo giặc. Suốt 39 giờ phát sóng, một khí phách Nam bộ với những con người trượng nghĩa đã như sống dậy ngồn ngộn trong một bối cảnh  xã hội  dữ dội nhất, một thời điểm lịch sử quyết định nhất: Đó là lúc cả dân tộc đứng lên giành độc lập…

Để hiểu hơn chính mình ảnh 1

Mười Trí (Trung Dũng) trong phim.

Có thể nhìn thấy cái hồn của cả vùng đất Nam bộ trong từng thước phim đầy tâm huyết của những người làm phim. Những tập đầu phim như là dòng ký ức bi hùng của những người dân ấp, dân lân đã bất tuân chiếu chỉ, không nghe lệnh nghị hoà của vua để theo Bình Tây đại nguyên soái quyết chống giặc đến cùng.

Bối cảnh thê lương của những ngày dầu sôi lửa bỏng, của  giờ phút đen tối nhất của lịch sử Nam bộ  đã được khắc họa bằng chiếc đầu rơi xuống của phó tướng Dương Văn Hạnh, như một vệt đen vắt ngang trang lịch sử bằng máu của Nam bộ thời kỳ đầu  nô thuộc. Rồi bắt đầu từ đó, dưới ánh sáng chập chờn  của hàng trăm ngọn đuốc trong ngôi đình làng Chánh Hưng cùng chén rượu hoà tan dòng máu ăn thề, những người yêu nước Nam bộ  đã nuốt nước mắt để sống bập bềnh cùng trang sử đau thương  mất nước.

Với 200 nhân vật  chính, phụ và hàng nghìn quần chúng, tác giả đã  dẫn dắt  người xem đi cùng  từng mảng đời sáng tối, những con người cùng đinh chìm nổi trong những cơn lốc xoáy của thời cuộc.  Đó là  trang sử cuộc đời của những Mười Trí, Bảy Viễn, Tám Mạnh, Hai Vĩnh, Ba Dương, Bảy Rô, Năm Hà, Năm Tra, Tám Tâm… Và họ đã được sống dậy cùng  ngọn đuốc dẫn đường của những người cách mạng như Bảy Chơn, Nguyễn Bình… Mỗi cuộc đời đều có những khúc quanh, và chính họ phải tự vượt lên để tìm thấy ánh sáng cho chính mình.

Cuộc hành trình của mỗi  người  đã được khắc hoạ bằng tính cách của từng nhân vật. Không phải ai cũng có thể về tới đích, bởi không có sự lột xác nào mà không phải trải qua những dằng co, đau đớn. Từ những kẻ thảo khấu sống ngoài vòng pháp luật, quen hành xử theo bản năng và thói quen bốc đồng, nên việc phải khép mình để đến được dưới ngọn cờ đại nghĩa của dân tộc là cả một quá trình tự vượt lên với chính mình.

Tất nhiên, trong  cái nền chung ấy, hai nhân vật Mười Trí và Bảy Viễn được khắc hoạ sắc nét nhất. Hai người bạn ăn thề đồng sanh đồng tử với hai tính cách khác biệt đã khiến cho họ phải chia tay ở ngã ba sông Cần Giờ. Một đứng dưới lá cờ đại nghĩa của dân tộc, một trở về đầu Tây, để sau cùng phải sống kiếp lưu vong. Nhân vật Mười Trí đẹp ngời ngời khí phách của người Nam bộ. Có lẽ đó là nhân vật tâm huyết nhất  của tác giả, anh đã chắt chiu và dồn nén tất cả tình yêu và tấm lòng của anh với vùng đất quê hương Nam bộ qua con người Mười Trí.

Sự đối lập tính cách quá rõ ràng giữa Mười Trí và Bảy Viễn lại càng tôn vinh hơn người anh hùng chân đất này. Hai con người này tuy khác nhau, nhưng vẫn có nét tương đồng ở tinh thần trượng nghĩa. Đó cũng là cái hồn của bộ phim, nó hoà trộn trong từng thước phim, từng lời thoặi, từng tính cách mỗi nhân vật. Ví như  Ba Nhỏ dù không bỏ được chất của tên thảo khấu, phạm tội ác với nhân dân đáng xử tội chết, nhưng khi biết tội, chính Ba Nhỏ đã về nộp mình và xin được tự xử….

78 tập phim đã cho chúng ta càng hiểu hơn cha ông mình, hiểu thêm một giai đoạn lịch sử phức tạp của Nam bộ. Bởi trước nay, hiếm có ai hiểu hết hai chữ Bình Xuyên, vì chính Bảy Viễn đã làm hoen ố ngọn cờ chống Pháp của  anh em giang hồ tụ nghĩa . Chưa có ở đâu, nơi nào mà anh em giang hồ đứng dưới ngọn cờ cách mạng đông hơn ở đây. Chỉ một lời hiệu triệu cứu nước, thì ngay lập tức các nhóm giang hồ đã tự trang bị vũ khí và thành lập lực lượng sát cánh cùng Việt Minh.

Bộ đội Bình Xuyên của Dương Văn Dương, bộ đội Bà Quẹo của Mười Trí, bộ đội phú Thọ của Bảy Viễn, bộ đội Chánh Hưng của Tám Mạnh… đã đồng loạt đứng lên chống Tây. Chẳng có ai trong họ có nhiều chữ nghĩa, cũng chẳng ai  biết nói văn hoa, nhưng ai cũng biết ngọn đuốc dẫn đường chính là lòng yêu nứơc.  Và Bảy Trân, người trí thức cộng sản đã soi rọi vào trái tim mỗi người ngọn lửa sáng rực ấy.

5 năm hoài bão cho một bộ phim với tất cả tâm huyết, có thể nói đây là một bộ phim chỉnh chu nhất về nghệ thuật của TSF. Từ bối cảnh, trang phục, hóa trang, đạo cụ đến  lời thoại, tất cả như trong một guồng máy chuyển động đồng nhất…  Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến diễn xuất của diễn viên Trung Dũng, Quốc Thái, Thanh Thảo, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Văn Nghĩa… trong các nhân vật Mười Trí, Bảy Viễn, Hai Ngạn, Bảy Trân, Tám Mạnh…. Có thể nói Mười Trí  là  vai diễn để đời của Trung Dũng. Anh đã có những phút xuất thần   bằng những nét đặc tả từ ánh mắt, và đã vực Mười Trí  sống dậy cùng với anh trong lòng người xem.

Tuy nhiên, phim đã không tạo được cơn sốt mạnh mẽ mà khá chọn lọc khán giả vì các tác giả có lúc đã quá tham sự kiện và lời thoại. Những cuộc đối thoại mang tính chính trị của các quan Tây và quan Nhật đã làm nhịp phim vốn đã chậm càng thêm lê thê. Và với những bộ phim có quá nhiều sự kiện lịch sử như thế, nhà đài nên có những dẫn lược và tóm tắt từng tập phim để người xem có thể đón nhận tốt hơn. Điều này, nhà đài đã thực hiện với các phim Thủy hử, Tam quốc, vì sao với phim Việt thì không thể?
--------------
* Biên kịch - đạo diễn: Nguyễn Tường Phương - Phương Nam (dựa theo tiểu thuyết Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng). Quay phim: Võ Chiêu Dũng. Thiết kế: Huỳnh Gia Thuận, Huỳnh Phúc Nghĩa.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục