Để học tập là trải nghiệm thú vị

Nghiêm khắc, gò theo khuôn phép, đặt nhiều kỳ vọng… đó là điều mà nhiều vị phụ huynh phương Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng đã áp dụng với con cái từ bao đời nay. Dưới góc nhìn của nhiều nhà lập pháp, giới trí thức cũng như thế hệ cha mẹ trẻ hiện nay ở Trung Quốc, phương pháp này không còn thích hợp với hệ thống giáo dục trong thời đại hội nhập, nơi ý tưởng và sáng kiến là điều cần được khuyến khích, chú trọng.

Cách giáo dục con đầy khắc nghiệt của Trung Quốc từ thời xưa còn in đậm dấu ấn đến nay. Năm ngoái, độc giả thế giới sửng sốt khi được tiếp cận tác phẩm “Khúc chiến ca của mẹ hổ”. Nhiều chỉ trích dồn dập “mổ xẻ” tác phẩm. Tác giả quyển sách là Amy Chua (người Mỹ gốc Trung Quốc) – giáo sư khoa Luật của đại học Yale (Mỹ). Quyển sách mô tả cách bà Amy Chua dạy con với những quy tắc bất di bất dịch: không xem tivi, không chơi điện tử, không được đạt điểm số dưới A, không được qua đêm ở nhà bạn, không tham gia các hoạt động vui chơi ở trường cũng như tự ý chọn các hoạt động ngoại khóa cho mình… Hai cô con gái của bà bị buộc rèn ngón đàn piano, violin hàng giờ liền mỗi ngày và dĩ nhiên, đây cũng không phải sở thích ban đầu của các em.

Chưa dừng ở đó, độc giả còn “choáng” với “cha đại bàng”, cách mà mọi người gọi một người cha họ Hà (sống ở Nam Kinh, Trung Quốc). Con trai Đa Đa của ông sinh thiếu 2 tháng nên được bác sĩ khuyến cáo có thể gặp nhiều biến chứng về sức khỏe cũng như trí não chậm phát triển. Vì thế, ông ra sức ép cậu bé vào những bài tập thể lực khắc nghiệt nhất có thể. 10 ngày sau khi ra khỏi lồng kính, Đa Đa phải tập bơi ở nhiệt độ dưới 25°C. 6 tháng, Đa Đa phải bơi 8 tiếng/ngày, 2 tuổi cậu phải leo lên tận đỉnh núi Zijin cao gần 500m.

Tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc vừa rồi đã xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất phải xem lại cách giáo dục học sinh ở đất nước này. Giáo sư Yongxin Zhu, giảng viên khoa Vi điện tử, đại học Jiao Tong Thượng Hải nhắc lại cách dạy con theo các “mẹ hổ” và “cha đại bàng” không còn phù hợp. Ông nói: “Tôi tin chắc rằng nền giáo dục Trung Quốc cần uyển chuyển, tạo sự thoải mái cho thế hệ tương lai. Các em cần cảm nhận được rằng được giáo dục, được học tập là một trải nghiệm thú vị, thay vì nghĩ rằng đó là áp lực”.

Hệ thống trường tư hầu như đã làm được nhưng trường công vẫn thiên theo lối mòn. Vì thế, nhiều phụ huynh Trung Quốc đã chuyển hướng lựa chọn đến những trường tư cũng vì lý do này. Năm 2009, chi tiêu giáo dục cho khu vực trường tư là 60 tỷ USD và đến năm 2011, con số này là 80 tỷ USD.

Nổi bật trong lĩnh vực giảng dạy theo hình thức mới ở Trung Quốc hiện nay là hệ thống trường Waldorf, được lấy tên theo phương pháp giáo dục Waldorf dựa vào lý thuyết nuôi dạy trẻ của triết gia người Áo Rudolf Steiner. Theo đó, nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng, phát triển suy nghĩ bao gồm những yếu tố sáng tạo nhằm cung cấp cho trẻ một nền tảng cơ bản cho sự phát triển đạo đức, thành một cá thể toàn vẹn. Trường Waldorf ưu tiên cho trẻ phát triển năng khiếu trước khi cho chúng tiếp cận với các môn đọc, viết, toán.

Yu Shufen, phụ huynh của bé Duo Duo chia sẻ: “Thật căng thẳng nếu chúng cứ phải đối diện với quá nhiều bài học và bài kiểm tra”.

Theo chuyên gia giáo dục, nhà văn Yanhong Wheeler, nếu muốn đất nước phát triển, phải tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát triển tài năng một cách độc lập và sáng tạo, không nên biến chúng thành những thần đồng trầm cảm, tự kỷ, khó hòa nhập để dẫn đến hệ lụy phát triển không cân bằng. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục