Thực tế, giấc mơ về môi trường sống an toàn, có cơ hội phát triển bản thân… là những vấn đề luôn được phụ nữ hun đúc, khao khát.
Trong căn nhà đầy ắp tiếng cười nói của trẻ nhỏ, tiếng bảo ban, động viên nhau của những người phụ nữ chẳng may bị bạo hành, bà Nguyễn Bích Thủy (60 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao. Không hạnh phúc sao được, khi hàng ngày bà nghe được tiếng cười, thấy được nét mặt tươi vui của những người phụ nữ đã vượt qua được nỗi đau bị chồng ngược đãi. Họ đến với bà lúc cùng quẫn, đau khổ nhất. Bà dang đôi tay gân guốc ra vỗ về, để họ biết mình còn có nơi nương tựa. Rồi bà khuyên nhủ, dạy bảo từ cách cư xử đến học cái nghề để tự làm chủ bản thân.
Ít ai biết rằng bà Thủy ngày xưa cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình đằng đẵng mấy chục năm trời. Sống trong cùng cực của cảnh ông chồng khi vui hay buồn cũng tìm cớ đánh mình, bà Thủy mơ một ngày thoát khỏi cảnh bị bạo hành và bà đã làm được. Để rồi khi đã tạo được cho mình và các con môi trường sống an toàn trong chính ngôi nhà của mình, bà Thủy quay sang giúp các mảnh đời khác có cùng hoàn cảnh. “Môi trường sống an toàn, thân thiện, phụ nữ và trẻ em không bị bạo hành là điều tôi cũng như các chị em phụ nữ đều mong mỏi. Nhưng để thực thi, tôi cho rằng cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhưng trong đó bản thân người phụ nữ phải đóng góp và cố gắng thật nhiều”, bà Thủy chia sẻ.
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với phụ nữ tiêu biểu vừa qua, những trăn trở của chị em đã nói lên nguyện vọng muốn được sống trong môi trường thân thiện, an toàn. Thế nhưng, nếu chỉ góp bằng lời nói mà không có những việc làm thiết thực, cụ thể, thì khát vọng ấy cũng chỉ là giấc mơ. Tôi thích cách nói thẳng thắn của bà Vương Thị Bích Phụng (Chủ nhiệm CLB Phòng chống tội phạm, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 4, phường 15, quận 4): Cứ mơ về môi trường giao thông an toàn, không bị xâm hại, thì biết khi nào mới có. Tại sao phụ nữ không tự mình tạo cơ hội để phòng tránh? Đó cũng là lý do bà Phụng cho ra mắt CLB Xe ôm nữ để giải quyết nỗi lo đưa đón con gái của phụ nữ trong khu phố, đồng thời hỗ trợ chị em có công ăn việc làm để tự chủ bản thân. “Biết con gái đi với chị xe ôm, phụ huynh vẫn an tâm hơn. Đấy, môi trường sống an toàn hay không là do ta tự tạo ra. Phải bắt tay vào thực hiện ngay, chứ nếu nói suông hoài thì bao giờ mới xong”, bà Phụng bày tỏ.
Cũng có ý kiến cho rằng, để xây dựng TP an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em thì cần chú trọng hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề cho phụ nữ. Bởi khi phụ nữ làm chủ được tài chính thì sẽ có tiếng nói, cũng như thay đổi bản thân theo hướng tự tin, mạnh mẽ hơn. Không chỉ vậy, sẽ khó thực hiện sự an toàn, thân thiện, khi môi trường sống liên tục xảy ra các vụ bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, cướp giật, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em. Chính phụ nữ và trẻ em phải dám lên tiếng mạnh mẽ tố cáo cái xấu, cái ác. Điều này thiết nghĩ đúng, bởi lâu nay, chính phụ nữ đang dung túng cho nạn bạo hành, xâm hại trẻ em gái, khi không dám đứng ra nói lên sự thật.
Ở thời đại này, phụ nữ không còn quẩn quanh trong xó bếp. Ngoài thiên chức làm mẹ, chăm lo gia đình, người phụ nữ đã bước ra xã hội, có việc làm, không ngừng học tập nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân và cống hiến. Tạo cho phụ nữ môi trường tốt, có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của TP, của đất nước là trách nhiệm của toàn xã hội.