Để mọi tiếng nói đều được “nghe thấy”

Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) vừa công bố số liệu cho biết, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội (ĐBQH) trên thế giới đạt hơn 25% vào năm 2020, là mức “cao nhất mọi thời đại”. Tuy vậy, theo Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, “sự tiến bộ đang diễn ra một cách từ từ, thậm chí là chậm chạp”. 

Các nước sớm đạt được mục tiêu bình đẳng giới với tỷ lệ phụ nữ chiếm từ 50% số đại biểu trong Quốc hội là Rwanda, Cuba và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA). Có thể thấy sự thịnh vượng về kinh tế chưa chắc đã song hành với tiến bộ về bình đẳng giới. 

Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65/162 và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ ĐBQH, khẳng định vai trò quan trọng của nữ ĐBQH trong nhiệm kỳ 2016-2021. Quốc hội khóa XIV (năm 2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và 26,7% đại biểu là nữ.
Trong cuộc bầu cử tới đây, mục tiêu phấn đấu là có ít nhất 35% ĐBQH là phụ nữ (khoảng 175 người). Bên cạnh đó, đại biểu là người ngoài Đảng 25-50 người; đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) khoảng 50 người; đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18%... Như vậy, nếu đạt tỷ lệ tối đa như kỳ vọng, thì các đại biểu nữ, đại biểu là người tự ứng cử… sẽ có tiếng nói đầy sức nặng trong cơ quan lập pháp.
Đề cập đến thực trạng hoạt động của nữ ĐBQH trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, ghi nhận, nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội. Mặc dù vậy, thực tiễn hoạt động của ĐBQH nữ cho thấy, họ còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Vừa là nữ, vừa là người dân tộc, đại biểu Vi Thị Hương (đại biểu trẻ nhất khóa XII của tỉnh Điện Biên), từng bộc bạch rằng, chị không sợ khổ, không sợ vất vả, nhưng “kiến thức của mình còn hạn chế”, khi tỉnh Điện Biên có tới 21 dân tộc thiểu số và ở những địa bàn xa xôi cách trở; có những người dân tộc không biết tiếng phổ thông… 
Đối với đại biểu là nữ hoặc nhóm dân tộc thiểu số hoạt động trong các cơ quan dân cử còn có những khó khăn khách quan, vì ở đó, các quyết sách được ban hành theo đa số. Nếu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ thì trong trường hợp Quốc hội tiến hành biểu quyết về những vấn đề liên quan mà có sự xung đột về lợi ích, họ sẽ bị yếu thế. 
Rõ ràng, để tiếng nói của phụ nữ nói riêng và các nhóm thiểu số nói chung được “nghe thấy” và giải quyết công bằng, thì sự hiện diện của họ với số lượng thỏa đáng là hết sức cần thiết. Cuối cùng, trong khi những ứng cử viên thuộc nhóm thiểu số cần tự nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng làm ĐBQH của mình nếu trúng cử, thì cử tri cũng cần sáng suốt, công tâm khi đặt bút vào lá phiếu bầu để trao cho họ cơ hội cống hiến với tư cách đại biểu dân cử. 

Tin cùng chuyên mục