Đề nghị bổ sung quy định về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế

Sáng 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT).
Đề nghị bổ sung quy định về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế

(SGGPO).- Sáng 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT).

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội cho biết, hiện nay thị trường TTBYT ngày càng phát triển hiện đại, mang tính toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng hoạt động y tế (cả phòng bệnh và chữa bệnh). Trên thị trường có hàng ngàn loại TTBYT, nhưng theo quy định pháp luật hiện hành thì chỉ có khoảng 20 loại được kiểm tra, kiểm định hàng năm (theo Luật đo lường, Luật năng lượng nguyên tử…), còn các loại khác thì được quản lý như hàng hóa thông thường. Do đó, cần thiết phải ban hành nghị định để giải quyết những vấn đề phát sinh và các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, sử dụng TTBYT làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Nhiều thiết bị y tế hiện đại được sử dụng tại các cơ sở y tế. Ảnh: Mai Hải


Thường trực Ủy ban tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định là quản lý TTBYT từ khâu sản xuất, kinh doanh, lưu hành, nhập khẩu đến sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn ở tất cả các cơ sở y tế công và tư.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định về quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế; bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế hoặc của Hội đồng bệnh viện trong việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn TTBYT; quyền, trách nhiệm của cơ sở y tế, cán bộ y tế khi sử dụng TTBYT cho người bệnh, nhất là trách nhiệm khi xảy ra tai biến gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, cần bổ sung hẳn một chương quy định về quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế công (hiện nay giá trị của TTBYT ở các bệnh viện công chiếm khoảng 40% tổng tài sản) do đó quản lý TTBYT ở các cơ sở y tế công phải được quản lý như công sản vì liên quan đến sử dụng nguồn vốn từ ngân sách và quỹ BHYT...

Đáng lưu ý, theo quy định của Luật Thương mại, các loại TTBYT cũ (cả loại đơn giản như giường bệnh đến những loại phức tạp như máy chụp X-quang, máy cộng hưởng từ) đều không được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, các bộ ngành đang xin ý kiến về việc cho phép nhập khẩu TTBYT cũ còn giá trị sử dụng từ 70% hoặc 80%, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về vấn đề này, giới hạn trong phạm vi các loại TTBYT cũ chỉ phục vụ đào tạo, triển lãm và tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế, không sử dụng cho người bệnh.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng,  quy định nêu trên chưa thật sự hợp lý. “Nhiều khi thiết bị qua sử dụng của các nước tiên tiến G7 còn tốt hơn một số thiết bị mới tinh” – ông Dũng nói. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì bình luận: “Dự thảo Nghị định quá “hoành tráng” và ôm đồm nhiều thứ. Quá nhiều thủ tục hành chính và không khả thi. Các sở y tế có đủ nhân lực mà làm không? Phí và lệ phí cùng với những nội dung đã có trong các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Thương mại… rồi thì thôi, không nên đưa vào đây”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng dự thảo Nghị định chỉ nên giới hạn trong việc đảm bảo chất lượng của các loại TTBYT nhập khẩu chứ không nên mở rộng sang quá nhiều lĩnh vực.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục