Đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu đạt 80% mức sống

Qua khảo sát thực tế mức lương tối thiểu so với đời sống công nhân hiện nay, chỉ 6,6% người lao động cho biết có được tích lũy từ tiền thu nhập hàng tháng, 45% lao động tạm đủ sống, khoảng 38,4% lao động đang phải chi tiêu tiết kiệm tối đa mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

(SGGP). – Qua khảo sát thực tế mức lương tối thiểu so với đời sống công nhân hiện nay, chỉ 6,6% người lao động cho biết có được tích lũy từ tiền thu nhập hàng tháng, 45% lao động tạm đủ sống, khoảng 38,4% lao động đang phải chi tiêu tiết kiệm tối đa mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Trong khi đó, 16,6% lao động cho rằng thu nhập của họ không đủ sống. Đó là kết quả khảo sát của Viện Công nhân - công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của các lao động trong các loại hình doanh nghiệp, vừa được công bố vào ngày 9-11, tại Hà Nội.

Khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 6-2012, tại 60 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đại diện 4 vùng lương trong cả nước. Về lương cơ bản, tiền lương của người lao động hiện nay cao hơn mức lương tối thiểu theo vùng 39% - 53%. Tiền lương thực nhận thường cao hơn so với lương cơ bản, tùy theo vùng và ngành nghề, song lương thực nhận chỉ cao hơn 10% - 20% (tiền lương thực nhận trung bình 2,86 triệu đồng/tháng).

Nếu tính theo tổng mức thu nhập của người lao động (bao gồm cả tiền lương công việc và các khoản tiền làm thêm giờ), năm nay nhìn chung đều giảm. Chỉ có 37,4% người lao động làm thêm giờ, trung bình số giờ làm thêm của mỗi lao động là 26,1 giờ/tháng, với số tiền nhận được là 431.000 đồng. Lương tối thiểu theo vùng mới chỉ đáp ứng 40% - 46% chi tiêu của người lao động, trong đó còn khoảng 14,5% người lao động có mức chi tiêu ở dưới mức sống tối thiểu.

Từ kết quả khảo sát trên, Viện Công nhân - công đoàn đề xuất, Nhà nước cần sớm thành lập Hội đồng Lương quốc gia theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, đồng thời ban hành đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 và lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu của người lao động. Trong năm 2013, Chính phủ cần điều chỉnh mức lương tối thiểu đạt 80% mức sống tối thiểu theo khảo sát. Theo đó, mức đề xuất cho vùng I là 3 triệu đồng, vùng II là 2,8 triệu đồng, vùng III là 2,5 triệu đồng và vùng IV là 2 triệu đồng.

Hiện đã có một vài doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị thực hiện phương án giãn thời gian áp dụng mức tăng lương tối thiểu. Gần đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã gửi công văn lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH góp ý phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2013. Theo VASEP, nếu áp dụng mức tăng lương tối thiểu mới, tổng quỹ lương của doanh nghiệp sẽ phải tăng chi lên 30%, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân khẳng định Bộ LĐTB-XH vẫn đề nghị Chính phủ thực hiện đúng lộ trình tăng lương ở khu vực doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp và áp dụng từ ngày 1-1-2013. Bộ LĐTB-XH nghiêng về phương án tăng lương tối thiểu vùng khoảng 20%. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể sẽ do Chính phủ quyết, để đảm bảo cân đối, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. 

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục