Trả lời với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM liên quan đến Dự án nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến đường thủy sông Đồng Nai do Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư Phát triển Hiệp Phước làm chủ đầu tư, UBND TPHCM cho biết vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ngưng thực hiện dự án này vì thực chất dự án này là khai thác cát. Nếu để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện sẽ làm nghiêm trọng hơn nữa tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai.
Tăng tình trạng sạt lở
Dự án “Nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến đường thủy sông Đồng Nai đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai” với nội dung chủ yếu là nạo vét với tổng khối lượng 9.910.030m³ (trong đó: cát xây dựng 1.090.100m³, bùn cát san lấp 7.135.221m³, bùn sét 1.684.709m³; độ sâu nạo vét đến -10m) bảo đảm cho tàu có trọng tải 10.000 DWT hoạt động ngày đêm do Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư Phát triển Hiệp Phước (chủ đầu tư - CĐT) được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thực hiện. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, CĐT đã tiến hành nạo vét khai thác cát từ tháng 2-2012 với số phương tiện khoảng 6 xáng cạp trên sông Đồng Nai đoạn tiếp giáp với phường Long Phước, quận 9 khi chưa tiến hành đăng ký tận thu khoáng sản theo quy định. Mặt khác, việc nạo vét này làm tăng thêm tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai, trong đó có đoạn chảy qua địa bàn quận 9, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội.
Trước tình trạng trên, tháng 5-2012, UBND TPHCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thu hồi dự án nêu trên. Đồng thời, TP cũng ban hành công văn không chấp thuận cho CĐT đăng ký khối lượng thu hồi cát trên sông Đồng Nai và yêu cầu CĐT phải đình chỉ ngay hoạt động khai thác cát và di chuyển máy móc thiết bị ra khỏi khu vực. Đến tháng 6-2013, Bộ Giao thông Vận tải có Công văn số 5869/BGTVT-KCHT về tiếp tục hoàn thiện thủ tục đăng ký tận thu và thực hiện nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa sông Đồng Nai kết hợp tận thu sản phẩm, lấy thu bù chi, không sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP tạo điều kiện cho CĐT tiếp tục thực hiện xong thủ tục đăng ký tận thu để thực hiện dự án.
Chưa cần nạo vét thêm
Tiếp nhận Công văn trên, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng với UBND quận 9, Sở Giao thông Vận tải, Công an TP và Cảng vụ TPHCM xem xét sự cần thiết của dự án để đề xuất cho UBND TP chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, qua báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị đều thống nhất không cho thực hiện dự án và đề nghị ngưng khai thác. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân được nêu ra trong Quyết định số 1108/QĐ-BGTVT năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì cảng tiếp nhận tàu lớn nhất trên sông Đồng Nai (đoạn từ rạch Ông Nhiêu trở về thượng lưu) là 5.000 tấn. Hiện trạng sông Đồng Nai đã đảm bảo cho tàu 5.000 tấn lưu thông, vì thế chưa cần phải nạo vét thêm.
Ngoài ra, qua các cuộc họp lấy ý kiến của các sở-ngành, người dân đều phản ứng gay gắt và không đồng tình, do đó nếu cho phép CĐT tiến hành nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa sông Đồng Nai với khối lượng lên tới 10 triệu m³ và triển khai thực hiện trong vòng 10 năm thì sẽ làm tăng thêm tình trạng sạt lở và tiếp tục gây bức xúc trong dư luận. Như vậy, nếu thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa sông Đồng Nai (thực chất là khai thác cát) thì sự nỗ lực đấu tranh của TPHCM và tỉnh Đồng Nai trong các năm vừa qua xem như bị vô hiệu. Trong quá trình lấy ý kiến của các đơn vị, UBND quận 9 cũng đã tổ chức lấy ý kiến của người dân sống dọc bên bờ sông Đồng Nai, qua đó ý kiến các hộ dân đều không đồng tình cho thực hiện dự án, vì nếu thực hiện nạo vét sẽ tăng thêm tình trạng sạt lở bờ sông và gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Từ những lý do nêu trên, để tránh gây ảnh hưởng xấu về sau, trong công văn báo cáo đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, UBND TP cho biết, tháng 9 vừa qua TP đã tiếp tục có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị dừng thực hiện dự án này.
MINH HUY