Đề nghị quy định rõ độ tuổi của người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

"Trong các việc hỗ trợ có đi tuần tra, canh gác ban đêm… Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo Luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận xét.
ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Góp ý vào dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến ghi nhận, đây là dự thảo Luật đột phá và thiết thực, góp phần nâng cao bảo vệ an ninh trật tự quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, cần bổ sung làm rõ tiêu chuẩn lựa chọn người tham gia, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tính toán cân đối nguồn lực, nhất là ở những địa phương còn khó khăn.

Đại biểu (ĐB) Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nhận định, về tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật (công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, đảm bảo sức khỏe) mà chưa đưa ra giới hạn độ tuổi tối đa là chưa phù hợp.

ĐB đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

ĐB dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Đây cũng là quan điểm của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xem như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường. Trong các việc hỗ trợ có đi tuần tra, canh gác ban đêm… Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo Luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý”. Theo ĐB, trưởng thôn, trưởng ấp có thể lớn tuổi, nhưng riêng lực lượng này cần có quy định chặt chẽ về tuổi đời.

Quy định về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại điều 23 của dự thảo Luật cũng được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến. Theo dự thảo, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Nhiều ĐB đề nghị cần nghiên cứu việc chi trả chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tại cơ sở bằng mức lương cụ thể, tính hệ số lương, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và thu hút được các đối tượng tham gia tích cực, hiệu quả hơn.

Từ thực tiễn công tác tại các tỉnh Tây Nguyên trong suốt thời gian qua, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) khẳng định, việc trình dự thảo Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này là đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, với thực trạng và tình hình mà theo ông là “đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở”.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về việc bố trí, sắp xếp lực lượng, thành viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ở mỗi tổ tại mỗi khu vực đô thị nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực có địa hình chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị để phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số. ĐB cũng đề nghị cân nhắc về việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phù hiệu, biển hiệu, huy hiệu.

“Giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định như khoản 2, điều 26 dự thảo Luật thì một số địa phương khó đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ chi này. Mặt khác, cần thống nhất mức hỗ trợ mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong cả nước, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện một mức”, ĐB Dương Khắc Mai băn khoăn.

Tin cùng chuyên mục