Thiết kế ra những căn hộ rẻ tiền, đảm bảo tiện ích nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ cao là trách nhiệm của giới kiến trúc sư khi mà nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) được dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường bất động sản trong một tương lai gần. “Người nghèo cũng có nhu cầu và có quyền được ở những căn hộ thiết kế đẹp”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Tấn Vạn (ảnh), Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam trong cuộc trao đổi về vấn đề nhà ở cho người nghèo.
* Phóng viên: Nói đến kiến trúc sư, người ta thường nghĩ đến những công trình xây dựng lớn. Thế nhưng gần đây với việc phát động cuộc thi Thiết kế nhà ở chống lũ cho người dân miền Trung và Thiết kế nhà ở cho người thu nhập thấp, giới kiến trúc sư dường như đang đi vào những vấn đề thiết thực hơn của đời sống?
* Ông NGUYỄN TẤN VẠN: Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng nhận thức rằng vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm lúc này là nhà ở cho người nghèo. Chưa bao giờ, cơ hội nhà ở cho người nghèo ở đô thị, nhất là Hà Nội, TPHCM lại gần như lúc này khi đang có rất nhiều dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư cũng đang cơ cấu lại sản phẩm của mình và ưu tiên hàng đầu là loại nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp. Với quan niệm rằng người TNT cũng có nhu cầu và có quyền ở trong những căn hộ đủ tiện ích và có tính thẩm mỹ cao nhất trong mức có thể, chúng tôi đã kêu gọi những người vẽ nhà phải vào cuộc cùng với Chính phủ lo nhà ở cho người TNT. Chỉ sau 1 tháng phát động cuộc thi thiết kế nhà ở cho người TNT có 105 đồ án gửi về dự thi đã chứng tỏ sự quan tâm của các kiến trúc sư đối với lĩnh vực này.
* Đã có khá nhiều nhà TNT đã ra đời, ông có nhận xét gì về thiết kế của những căn hộ đã có?
* Đồ án thiết kế cộng với những hỗ trợ của chính sách nhà nước là những yếu tố quan trọng làm giảm giá thành xây dựng. Thực tế là, nhiều đồ án thiết kế nhà ở cho người TNT chưa đạt được hiệu quả về kinh tế cũng như chưa tối ưu trong việc thiết kế không gian sử dụng. Hậu quả là nhà ở TNT thời gian qua vẫn có giá cao, nằm ngoài khả năng thanh toán của người dân đồng thời mặc định luôn trong suy nghĩ của nhiều người là nhà ở TNT thì xấu, chất lượng kém và bất tiện. Bản thân tôi đã từng xây dựng nhà cho người TNT nhưng xây xong thì người ta không vào ở, chương trình không thành công, nguyên nhân là do nó chưa gần gũi với nhu cầu thực của người dân.
* Vậy trong các đồ án được gửi về dự thi, nhà cho người TNT cần được thiết kế như thế nào?
* Trong số các đồ án gửi về, chúng tôi đã nhận được nhiều đề xuất hay. Những đề xuất đó xuất phát từ việc tiếp cận với những vấn đề của đời sống thực. Tôi đã đến xem những khu nhà công nhân ở với mức thuê 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng. Trong những căn nhà chật chội đó, thường là 5 - 6 người ở trong điều kiện vệ sinh, an toàn chưa đảm bảo. Tóm lại là cần thiết phải xem người ta sống thế nào để tìm cách can thiệp vào đó cho hiệu quả tốt nhất. Nhà TNT là bài toán của bất cứ chế độ nào. Tôi đã từng sống trong căn nhà TNT ở Mỹ 1 tuần. Đó là những căn hộ hết sức tiện ích và vẫn có tính thẩm mỹ, tạo cho con người cảm giác không tù túng, bức bách nhờ những giải pháp về ánh sáng, về thiết kế... và đặc biệt những căn hộ đó rất rẻ, phù hợp với người dân lao động, tất nhiên để mua được những căn hộ đó người mua phải chứng minh được thu nhập của mình. Tương tự như vậy, nhà ở cho người TNT ở Singapore cũng rất đẹp, lịch sự, văn minh… Đó là những mô hình tốt mà chúng ta cần học tập và các kiến trúc sư của chúng ta đang hướng tới sự tối ưu đó.
* Theo ông, giải pháp thiết kế sẽ tác động vào giá thành như thế nào?
* Vẫn những căn nhà đó nếu đưa thiết kế chặt chẽ hơn có thể giảm tới 20% giá thành. Có những đồ án gửi đến cho tôi chỉ có giá 3 triệu đồng/m2 xây dựng. Tất nhiên là còn phải xem xét kỹ trước khi có thể áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh giải pháp thiết kế thì ứng dụng công nghệ mới cũng là một giải pháp hạ giá thành. Hiện ở Việt Nam vẫn chưa coi trọng vấn đề này. Ứng dụng công nghệ mới có thể xây dựng hàng loạt, rút ngắn tối đa thời gian xây dựng, sử dụng vật liệu mới... sẽ giảm đáng kể giá thành dẫn đến chi phí thấp hẳn xuống cộng với những ưu đãi của Chính phủ.
* Ông có thể chia sẻ thêm về các tác phẩm đoạt giải Kiến trúc quốc gia năm 2012?
* Một công trình xây dựng phải có giá trị về nghệ thuật kiến trúc nhưng cũng phải có yếu tố nhân văn xã hội, không tham về diện tích về khai thác mà phải có không gian nâng cao giá trị sống cho cộng đồng. Hiện nhiều khu đô thị khai thác dày đặc, thiếu sự cân bằng giữa nhu cầu sống và không gian chung. Các tác phẩm đoạt giải năm nay đã có nhiều sáng tạo trong ý tưởng thiết kế, trong các giải pháp thiết kế. Chẳng hạn như công trình Dlophin Plaza, tác phẩm được giải nhất là một đồ án được thiết kế trên một thế đất khó nhưng đã có giải pháp tốt, tạo điều kiện tối ưu cho không gian sống và làm việc của con người, thân thiện với môi trường, cảnh quan khu vực. Công trình Bảo tàng Đắk Lắk cũng làm nổi bật được bản sắc truyền thống. Công trình nhà họp Đại Lải cũng có giải pháp khá độc đáo trong xử lý vật liệu truyền thống… Điều đáng tiếc là, giải thưởng kiến trúc Quốc gia kỳ này vẫn chưa có nhiều công trình đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của đời sống như nhà ở xã hội, kiến trúc nông thôn mới…
* Xin cảm ơn ông!
BÍCH QUYÊN (thực hiện)