Để người nghèo có thể mua nhà

Giá nhà tại các TP lớn ở Việt Nam có thể tăng 50%-100% sau 5 năm, nhưng thu nhập của người nghèo dường như cải thiện không đáng kể. Chính vì vậy, sở hữu cho mình một chỗ ở đối với người nghèo như “hình chạy theo bóng”. 

Thực tế cho thấy, nhà giá rẻ, nhà ở xã hội rất khan hiếm, mỗi năm tại TPHCM chỉ có một vài dự án được hoàn chỉnh thủ tục để có thể đưa ra thị trường. Trong khi đó, giá nhà thương mại thì cao ngất. Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, mức giá trung bình trên thị trường trong 3 tháng cuối năm 2019 đạt cao kỷ lục trong cả thập kỷ, gần 2.900 USD/m2 (khoảng 66 triệu đồng/m2), tăng 78,2% theo năm, và 39,8% theo quý. Các phân khúc thấp hơn, dao động ở mức tầm, 28-39 triệu đồng/m2 thu hút nhiều người mua nhất, chiếm hơn 70% số căn bán được trong năm 2019. Công ty DKRA Vietnam nhận định, do căn hộ hạng C (mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) ngày càng khan hiếm, nên hiện nay giá thấp nhất trên thị trường khoảng 27-28 triệu đồng/m2. Các dự án căn hộ hạng C tại TPHCM được phân bổ ở các khu vực xa trung tâm, như quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh… giá trung bình 30-35 triệu đồng/m2. Hiện căn hộ dưới 1,5 tỷ đồng rất khó tìm. Với mức giá trung bình từ 30 triệu đồng/m2 thì một căn hộ 50m2 có mức giá khoảng 1,7 - 1,9 tỷ đồng/căn. 

Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Trường Phát Investment, để cho ra thị trường căn hộ giá tốt, đầu tiên doanh nghiệp phải có quỹ đất giá tốt, vị trí kết nối thuận tiện, thủ tục pháp lý nhanh… và phải chấp nhận biên độ lợi nhuận vừa phải. Nhưng trên thực tế, quỹ đất khan hiếm, giá đất liên tục tăng, thủ tục pháp lý kéo dài, nên chi phí đầu vào bị đội lên rất lớn, doanh nghiệp rất khó khăn mới đưa được dự án ra thị trường, muốn kéo giá bán xuống cũng không dễ. Thời gian gần đây, một số dự án bị khách hàng gọi là “ngáo giá”, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân chứ không phải vô cớ. 

Chính vì vậy, để giá nhà hạ xuống, giải pháp khả thi nhất của doanh nghiệp là chọn đất vùng ven để triển khai dự án. Khoảng 1 năm trở lại đây, thị trường Bình Dương ghi nhận nguồn cung căn hộ mới khoảng 10.000 căn. Với nguồn cung hiện có, Bình Dương chỉ xếp sau TPHCM về lượng nhà ở cao tầng và vượt xa các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. Các chuyên gia cho rằng, Bình Dương có lợi thế giáp TPHCM, lại là “thủ phủ” công nghiệp, nên nhu cầu mua căn hộ khá đa dạng. Khách hàng mua là dân nhập cư làm việc tại các khu công nghiệp hoặc dân địa phương, thậm chí người dân TPHCM cũng có thể mua nhà ở Bình Dương mà vẫn đi làm, di chuyển thuận tiện.

Tin cùng chuyên mục