Trong báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tái khẳng định cam kết đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn chiếm 3,25% tổng dư nợ. Trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ (tỷ lệ nợ xấu là 3,59%), nhưng diễn biến này mang tính quy luật và đà tăng này vẫn trong tầm kiểm soát, không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng Nhà nước. Một trong những cơ sở để người đứng đầu ngành ngân hàng tin tưởng vào mục tiêu giảm nợ xấu chính là kế hoạch mua nợ của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, trong năm 2015 VAMC sẽ mua khoảng 80.000 tỷ đồng nợ xấu, lũy kế đến cuối năm là 200.000 tỷ đồng, để giảm tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng về mức 3%.
Vậy phải chăng nỗi lo nợ xấu sẽ hoàn toàn chấm dứt vào cuối năm nay? Nhìn vào hoạt động xử lý nợ của VAMC có thể thấy suy nghĩ như vậy là quá lạc quan. Dự kiến trong năm 2015, VAMC sẽ thu hồi được khoảng 10.000 tỷ đồng từ xử lý nợ xấu, là con số quá nhỏ so với tổng nợ xấu mà VAMC đã mua. Như vậy, thực chất số nợ mà VAMC mua phần lớn vẫn đang còn là nợ xấu. Một số ý kiến cho rằng, dù hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về dưới 3% thì đây cũng chỉ là con số ảo. Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vừa qua tại Quốc hội, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) không ngần ngại ví von rằng khối nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ đồng mới chỉ được VAMC “bắt nhốt” lại mà thôi. “Nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế” - ĐB Huỳnh Nghĩa nhận định.
Bản thân những người trong cuộc cũng không né tránh vấn đề này. Tại một cuộc hội thảo tổ chức cuối tuần trước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, nói thẳng: “Có cho tiền thật để mua, VAMC vẫn không xử lý được hết nợ xấu”. Lý do là các quy định pháp lý hiện nay không đủ để giúp VAMC xử lý nợ xấu. Ông Hùng dẫn chứng, có khách hàng ở TPHCM vay gần 1.000 tỷ đồng, thế chấp bằng nhà, nhưng khi xuống đòi thì họ không trả, dù nhà đó cho thuê mỗi năm thu về mấy trăm tỷ đồng. “Mình yêu cầu họ bán tài sản để trả nợ nhưng họ không bán, mình cũng không làm được gì. Còn kiện ra tòa thì 50 năm sau có khi vẫn chưa đòi được” - ông Hùng nói. Trong khi đó, dù VAMC mua các khoản nợ xấu từ tổ chức tín dụng nhưng sau đó cũng không biết bán cho ai, vì Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ. Nếu có bán, cũng chỉ là các công ty mua bán nợ của nhà nước mua bán với nhau.
Câu chuyện thực tế của người đứng đầu VAMC cho thấy, nếu với cơ chế như hiện nay, nợ xấu mới chỉ được “nhốt lại” chứ chưa hề có hướng giải quyết nào khả thi. Để nợ xấu có thể trở thành “nợ đẹp” và tỷ lệ 3% không phải là con số ảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động của VAMC nói chung, cũng như hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng. Trong đó, quan trọng nhất là hợp lý hóa quy trình thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp liên quan đến những khoản nợ xấu mà tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC, kể cả quy trình thủ tục khởi kiện và thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Từ thực tế, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị 4 quyền VAMC cần để xử lý nợ xấu: quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền như thi hành án, quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng không trả nợ, quyền đấu giá tài sản đảm bảo không cần người vay đồng ý.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần sớm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án mô hình thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, phải tháo gỡ và có cơ chế đặc biệt cho VAMC giải quyết hiệu quả nợ xấu, nhất là giải quyết các tài sản phức tạp, tài sản kéo dài, tài sản khó xử lý.
BẢO MINH