Để nơi phên dậu yên bình

Đất nước có yên vui thái bình, thì nơi biên giới, nơi đầu sóng ngọn gió phải vững mạnh, đủ sức vượt qua mọi bão dông, sóng lớn. Vùng phên dậu biên cương là chỗ dựa bền vững, niềm tin son sắt, trở thành tình yêu của mọi con dân nước Việt. Với tình cảm thiêng liêng dành cho tuyến đầu Tổ quốc, Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức chương trình “Nước ngọt vùng biên - Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới”. 
Tặng “Mái ấm chiến sĩ biên giới” cho gia đình anh Vừ Mí Quỳnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: MINH NGUYỆT
Tặng “Mái ấm chiến sĩ biên giới” cho gia đình anh Vừ Mí Quỳnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: MINH NGUYỆT

Dòng nước ngọt ngào

Tuy chương trình mới được thành lập từ năm 2017, nhưng đến nay, kết quả rất ấn tượng, có 20 công trình nước ngọt vùng biên, gần 200 mái ấm cho chiến sĩ và người dân nghèo nơi biên giới, đã đưa vào sử dụng. Chương trình sẽ phát triển lâu dài bằng cả tình cảm sâu nặng của người dân TPHCM hướng về biên giới thiêng liêng. Đặc biệt, chương trình nhanh chóng lan tỏa qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau...

Chúng tôi đến chợ biên giới xã Thông Bình khi nắng mai đã chan hòa trên cánh đồng lúa xanh ngát mênh mông. Quang cảnh chợ biên giới hôm nay khá nhộn nhịp, các hàng quán dọc dài theo bờ kè bên dòng sông Sở Hạ, bà con chen chúc nhau ngồi đông nghẹt. Chiếc cầu biên giới bắc ngang sông Sở Hạ nối liền hai xã Thông Bình (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam) với xã Peam Montear (huyện Kampong Trabeak, tỉnh Preyveng, Campuchia) không ngớt người từ bên kia biên giới qua lại. Hàng ngày, họ vẫn sang bên này đi chợ, mua bán, thăm thú bạn bè, tình cảm gắn bó keo sơn từ thuở nào của người dân nơi vùng biên giới. Hôm nay, trên gương mặt ai cũng lộ nét hân hoan, náo nức sang bên này (Việt Nam) từ khi trời vừa sáng tỏ để dự khánh thành cây nước ngọt vùng biên, do Ủy ban MTTQ TPHCM tài trợ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Bình thi công và quản lý. Đây là niềm mong mỏi của bà con vùng biên rất lâu rồi, nay mới thành sự thật.

Tôi đi dọc theo bờ sông biên giới Sở Hạ, lòng sông rộng chừng 70m, bên kia biên giới tiếng trẻ con đùa giỡn, bên này nghe rõ mồn một. Gần gũi quá, thân tình quá, nên từ lâu bà con nơi vùng biên giới này sống chan hòa như anh em một nhà, tối lửa tắt đèn có nhau. Một chiếc xuồng con với người đàn ông Campuchia lặng lẽ giăng lưới trên sông. Tôi dừng lại hỏi: “Giăng lưới có cá nhiều không anh?”. Nghe hỏi, anh trả lời bằng tiếng Việt rất rõ ràng: “Sông Sở Hạ mấy năm qua bị ô nhiễm, tôm cá theo đó hiếm lắm. Giăng lưới cầu may thôi”. Rồi anh than thở: “Suốt mấy năm dài, người dân nơi đây, Việt cũng như Campuchia khổ lắm, vì thiếu nước sạch trong sinh hoạt, trong ăn uống. Hậu quả là rất nhiều người bị bệnh đường ruột kinh niên. Điều mong mỏi lớn nhất của bà con vùng biên giới nơi này, làm sao có nước sạch để dùng”. Anh chợt đổi giọng thật tươi: “May nhờ có Ủy ban MTTQ TPHCM hỗ trợ hơn 700 triệu đồng xây dựng cây nước sạch, giúp bà con sinh sống hai bên sông Sở Hạ. Từ nay, sẽ không còn dùng nước ô nhiễm nữa”. 

Tại buổi lễ khánh thành cây nước ngọt vùng biên, lãnh đạo địa phương cho biết, nước sẽ được bom vào hồ chứa để lắng lọc, rồi bom lên bồn cao 10m, sau đó nối ống dẫn nước về từng hộ dân, kể cả sẽ nối ống theo cầu Thông Bình, đưa nước sạch qua bên kia biên giới cho bà con Campuchia cùng sử dụng. 

Nghĩa tình sâu nặng

Những ngày giáp Tết Canh Tý, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Ủy ban MTTQ TPHCM đến 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai để trao 60 Mái ấm chiến sĩ, dân nghèo nơi biên giới và 6 công trình nước ngọt vùng biên. Trên đường đến huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), màu hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ vàng rực trên mọi cung đường, tạo thành tấm thảm thiên nhiên gờn gợn theo cơn gió sớm mai đẹp tuyệt vời. Cảnh vật như níu bước chân chúng tôi. Trên những triền núi cao chập chùng, thấp thoáng những mái nhà cheo leo, lặng lẽ trong màn sương giá lạnh, nhiều ngôi nhà đơn sơ mộc mạc đến nao lòng. Chúng tôi đến ngôi nhà của anh Vừ Mí Quỳnh, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cốc Pàng (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Đây là một trong 60 “Mái ấm chiến sĩ, dân nghèo vùng biên” vừa được Ủy ban MTTQ TPHCM hỗ trợ kinh phí để xây dựng, nhằm tạo điều kiện cho các chiến sĩ cùng với gia đình nơi vùng biên giới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ngôi nhà khá khang trang, đẹp đẽ. Vách xây tường, mái lộp fibro xi măng, nền lót gạch bông, nhà tắm, nhà vệ sinh quá tiện nghi. Lãnh đạo và chiến sĩ đồn Cốc Pàng cùng nhiều bà con lối xóm đến chúc mừng anh Vừ Mí Quỳnh có nhà mới thật đông vui. Ai cũng trầm trồ nhà đẹp nhất xóm rồi, và mọi người chờ đợi những năm sau sẽ có nhiều ngôi nhà đẹp như vầy tiếp tục mọc lên giữa trời biên giới quê hương. 

Chiến sĩ Vừ Mí Quỳnh cảm động, giọng nghèn nghẹn chẳng nên lời: “Trước kia, những đêm đi tuần tra hay canh gác trên đồn xa, lòng tôi cứ thắt thỏm không an mỗi khi cơn mưa rừng ồ ạt đổ về. Lo cho cha mẹ, vợ con không biết thế nào, khi mái nhà trống trước dột sau, đêm nằm ngủ có thể đếm được sao trời. Nhưng làm gì có tiền để sửa chữa lại. Nay được ngôi nhà mới, thật không có niềm vui và hạnh phúc nào bằng. Từ nay, tôi yên tâm công tác, quyết cùng đồng đội bảo vệ Tổ quốc biên cương”.

Chúng tôi tiếp tục đến Quản Bạ, tỉnh Hà Giang để trao kinh phí hỗ trợ sửa nhà cho người dân nghèo. Đây là một trong 60 căn nhà cho chiến sĩ, người dân nghèo vùng biên lần này. Đường lên cổng trời Quản Bạ quanh co khúc khuỷu, chênh vênh, một bên là vách núi sừng sững che khuất tầm nhìn, một bên là vực sâu thăm thẳm, ẩn hiện lờ mờ cánh đồng lúa mênh mông đến mờ xa. Mây bay la đà dưới chân, gió hây hây lành lạnh. Dưới xa tít vực sâu là hai ngọn núi đôi xanh rì, bầu bĩnh như sức sống căng tròn của cô tiên giáng xuống trần gian, nên được gọi là núi Cô Tiên. Ông Sào Pháng, người được hỗ trợ kinh phí xây nhà mới, mừng rỡ đón chúng tôi. Cả xóm như ăn tết sớm, mọi người tề tựu đến chật kín, ngôi nhà còn thơm mùi gạch mới vừa xây xong. Ông Sào Pháng quá vui mừng, nói không ngớt lời: “Từ đời ông cha chúng tôi nghèo lắm, không ai ngờ đến đời tôi lại có ngôi nhà tốt đẹp như vầy. Cho tôi cám ơn mặt trận thành phố đã giúp người dân nghèo vùng biên giới có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Trưởng đoàn công tác, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, ân cần: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy chương trình này ngày càng sâu rộng hơn nữa. Những dòng nước ngọt, những mái ấm nơi vùng biên tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ yên tâm chiến đấu, bà con nghèo ổn định cuộc sống, bám đất bám làng lao động sản xuất. Không chỉ là phên dậu vững chắc nơi tuyến đầu biên giới, mà còn là nghĩa tình sâu nặng của người dân thành phố đến với các chiến sĩ và bà con, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ông Trần Tấn Ngời, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM, bày tỏ: “Khi đoàn MTTQ thành phố đi cứu trợ bà con nơi đây bị hạn hán, chúng tôi mới nhận ra nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con vô cùng bức xúc; về chỗ ở cũng còn khá nhiều nhà tạm bợ. Chính vì vậy, tôi đã bàn bạc, trao đổi thống nhất với các đồng chí lãnh đạo MTTQ thành phố, từ nay nên mở rộng chương trình “Nước ngọt vùng biên - Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới”. Thông qua việc đầu tư giếng nước phục vụ nhu cầu cấp thiết của bà con, sẽ giúp người dân nâng cao chất lượng sống, góp phần ổn định nơi ăn chốn ở lâu dài. Một công trình ngỡ như quá đơn giản, nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc!”.

Tin cùng chuyên mục