Để phản biện có hiệu quả

Phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể là một nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm nhưng lại rất quan trọng trong đời sống xã hội. Thời gian qua, MTTQ và các tổ chức thành viên ở nhiều địa phương chủ động gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển đến Ủy ban MTTQ Việt Nam những đề án, dự thảo chính sách, những chương trình liên quan đến đông đảo người dân để nghiên cứu phản biện.

Một số nơi gửi kết quả phản biện đến cơ quan soạn thảo đề án, chính sách và đề nghị giải quyết theo hướng có lợi cho dân, nếu cơ quan đó không tiếp thu kết quả phản biện thì MTTQ kiến nghị lên cơ quan cấp trên trực tiếp, hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, công việc này không được làm thường xuyên và còn nặng hình thức. Có trường hợp, MTTQ được chính quyền chủ động xin ý kiến nhưng thực chất là chỉ làm cho có. Trong thực tế, MTTQ chưa thực sự được tạo điều kiện để các hoạt động phản biện có hiệu quả. Ngay như việc cử cán bộ đứng đầu cơ quan MTTQ các cấp ở địa phương, nhiều khi đưa người nhiều tuổi từ các cấp ủy, chính quyền sang. Đáng chú ý, trong số này có cả một số cán bộ kém năng động hay trình độ, năng lực có phần hạn chế. Bên cạnh đó, cán bộ trẻ, có trình độ thấy công tác mặt trận vất vả lại dễ động chạm nên tìm cách chuyển đi cơ quan khác.

Nhân dịp các cấp ủy địa phương đang tổ chức đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy Đảng cần dự kiến cơ cấu cán bộ trẻ, có năng lực về làm công tác mặt trận, đồng thời xem đây là môi trường thuận lợi để cán bộ trẻ rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh chính trị. Để công tác phản biện hiệu quả, thông qua ban thanh tra nhân dân ở các cấp địa phương, MTTQ tổ chức hoạt động phản biện phải bảo đảm tính Đảng, tính nhân dân, tính trung thực, tính khoa học, khách quan và thiết thực. Ngoài các chuyên gia là thành viên của các hội đồng tư vấn trên các lĩnh vực (dân chủ - pháp luật, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học và giáo dục, đối ngoại nhân dân và kiều bào, tôn giáo và dân tộc), hoạt động phản biện xã hội cần khai thác trí tuệ của lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên thường xuyên tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri, các tầng lớp nhân dân để làm tốt vai trò phản biện xã hội.

Mặt khác, các kiến nghị phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp thu và giải trình đầy đủ trước khi đề án được ban hành. Có như vậy, hoạt động phản biện của MTTQ mới thật sự góp phần làm cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước sát hợp với thực tiễn của đời sống xã hội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

HUỲNH ĐẠT

Tin cùng chuyên mục