Đề phòng virus H7N3 độc lực cao hơn H5N1 vào VN

Tuần qua, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Canada, Nga, Ba Lan thông báo xuất hiện nhiều ổ dịch do các chủng virus H7N8, H7N3 trên gia cầm. Đây là hai chủng virus độc lực cao hơn H5N1, có khả năng lây lan trên người. Tại Hà Lan, một bác sĩ thú y bị chết vì nhiễm H7N3.

Đặc biệt, cúm gia cầm tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, liên tiếp 2 tuần vừa qua có 2 cha con cùng bị nhiễm virus H5N1, một người tử vong. Trong lúc đó, nạn buôn lậu gia cầm tại biên giới 2 nước không hề suy giảm, gần 6.000kg gà và 15.000 con gà giống bị Cục Quản lý thị trường tịch thu và tiêu hủy tuần qua. Nếu không có biện pháp đề phòng, 2 chủng virus này có thể xâm nhập vào Việt Nam. Trong nước, khi tỉnh Quảng Trị và Cao Bằng qua 21 ngày không còn cúm gia cầm thì tỉnh Trà Vinh và Bắc Giang lại xảy ra dịch cúm gia cầm mới.

Cục Thú y cảnh báo khả năng tái phát các ổ dịch vẫn rất cao, do mầm bệnh phát tán rộng trong mùa mưa lũ ở miền Trung, miền Nam. Dù vào tiêm phòng đợt 2, nhưng vẫn xảy ra tình trạng sử dụng vaccine không rõ nguồn gốc tại một số địa phương, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Nhiều địa phương nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc quản lý đàn gia cầm, thực hiện tiêm phòng trên vịt chạy đồng chưa chặt chẽ, nhiều đàn chỉ tiêm mũi 1. Kết quả kiểm tra chỉ có 6,67% số mẫu gia cầm đưa vào TPHCM có đủ kháng thể bảo hộ (yêu cầu là 70%).

Chi cục Thú y TPHCM cho biết, việc vận chuyển trái phép gia cầm sống và sản phẩm gia cầm từ các tỉnh vào TP giảm do các đoàn liên ngành liên tục kiểm tra lưu động, phát hiện và xử lý kiên quyết nhiều trường hợp. Tuy nhiên, một số quận, huyện vẫn còn các điểm kinh doanh gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trái phép chưa xử lý triệt để, tồn tại đặc biệt ở Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, quận 8, 12 và huyện Bình Chánh. Việc nuôi gia cầm nhỏ lẻ thả rong không đăng ký, không đảm bảo an toàn sinh học vẫn còn trên địa bàn các huyện ngoại thành Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn…  

ĐÔNG PHONG

Tin cùng chuyên mục