Đạo diễn Nhật Hiroki Ryuichi
Có mặt trong buổi công chiếu bộ phim Thầy ơi, tin vào chúng con, do ông làm đạo diễn (nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Nhật - Thổi làn gió mới! Phim truyện và hoạt hình Nhật Bản 2013, diễn ra từ ngày 15-11 đến 21-11 tại cụm rạp BHD Star Cineplex); Hiroki Ryuichi đã tỏ ra rất vui khi chứng kiến rạp đông không còn một ghế trống và ông đã thoải mái giao lưu, ký tặng với khán giả Việt Nam. Sau buổi chiếu, đạo diễn Hiroki Ryuichi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với PV Báo SGGP về những vấn đề xoay quanh việc làm phim.
- PV: “Thầy ơi, tin vào chúng con” đã cho người xem những cảm xúc thật tuyệt vời về tình người, tình thầy trò và về sự bình đẳng trong xã hội với những người khuyết tật. Ông quyết định chọn thực hiện bộ phim này trong hoàn cảnh nào?
>> Đạo diễn HIROKI RYUICHI: Nhân vật chính trong phim - thầy giáo Akao được xây dựng từ nhân vật có thật ngoài đời là nhà báo, nhà văn Ototake, một người khuyết tật không có tay, chân. Anh đã có một năm làm thầy giáo và là tác giả của cuốn tự truyện Nhân vô thập toàn. Trong cuốn tự truyện có đoạn anh kể về những kỷ niệm trong thời gian làm thầy giáo của mình và chúng tôi lấy ý tưởng, chi tiết từ cuốn tự truyện này làm phim và mời anh đóng luôn vai thầy giáo Akao.
- Các em học sinh trong lớp học của thầy giáo Akao hết sức dễ thương, sinh động và đầy thuyết phục về sự chân thực, hồn nhiên. Ông đã tuyển chọn và chỉ đạo thế nào để cả 28 em đều có diễn xuất tuyệt vời đến vậy?
Tôi đã chọn được 28 em từ hàng ngàn em dự tuyển. Các em thiếu nhi phần đông là nhớ và thuộc thoại rất nhanh, nhưng tôi ghét điều này. Tôi không đưa kịch bản cho các em đọc trước, vì như thế, cha mẹ các em sẽ đọc, sẽ hướng dẫn các em tập diễn thử và như vậy khi ra hiện trường, các em sẽ diễn theo kiểu “học thuộc lòng” như thế sẽ không còn cảm xúc, không phát triển được sự tưởng tượng. Tôi chỉ đưa kịch bản cho các em 1 ngày trước hôm quay, để các em biết mình sẽ phải diễn đoạn nào, thoại câu gì. Cảnh mở đầu phim là cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên, bất ngờ giữa thầy Akao và 28 em, tôi cũng giữ kín không cho các em gặp diễn viên Ototake, để ghi lại được một cách chân thực những cảm xúc, phản ứng của các em khi nhìn thấy thầy giáo đặc biệt của mình.
- Phim đề tài thiếu nhi vốn được xem khó làm, cùng với đó mảng đề tài giáo dục cũng được xem khô cứng, khó hấp dẫn. Nhân vật chính lại là người khuyết tật. Cộng cả 3 yếu tố này vào trong một bộ phim, có vẻ phim khó hấp dẫn. Vậy mà "Thầy ơi, tin vào chúng con" đã là một phim hấp dẫn, đầy ý nghĩa và lấy được rất nhiều cảm xúc của người xem. Theo ông, làm thế nào để có bộ phim hay?
Thật khó để nói thế nào là phim hay vì điều ấy thuộc về cảm nhận của từng người. Phim với người này hay, người khác thì không và ngược lại! Khi làm phim, tôi không chú trọng quá mức đến thông điệp mà nhắm đến những giá trị, những suy nghĩ cùng với người xem. Tôi không muốn phim của mình là sự giáo điều, dạy dỗ. Với "Thầy ơi, tin vào chúng con", tôi chỉ muốn cho người xem cảm nhận, người tàn tật không khác gì người bình thường và họ cũng có thể làm được những công việc như người bình thường. Với tôi, đề tài càng khó khăn, càng dễ làm phim vì đó là một thách thức với chính mình. Một đề tài dễ dàng thì không có gì để làm thành phim!
- Ông có nhận xét gì về phim và khán giả Việt Nam?
Tôi đã rất vui khi thấy rất đông khán giả Việt Nam đến xem phim trong Liên hoan phim Nhật lần này nói chung và bộ phim của tôi nói riêng. Tôi chỉ được xem hai bộ phim của Việt Nam là Mùi đu đủ xanh và Xích lô. Khán giả Nhật Bản ít có cơ hội xem phim Việt Nam, nếu có Liên hoan phim Việt Nam tại Nhật Bản thì chúng tôi mới có cơ hội biết đến phim Việt Nam nhiều hơn.
NHƯ HOA (thực hiện)