Để thị trường phát triển lành mạnh

Sau 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định trong chính các quy định của luật; giữa Luật Giá với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan và trong khâu tổ chức thi hành luật. Đó là quan điểm của cơ quan soạn thảo khi đề xuất sửa đổi Luật Giá nhằm tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.

Theo nhận định, một số nội dung thiếu thống nhất giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành đã dẫn đến sự can thiệp quá sâu, không cần thiết của nhà nước vào thị trường. Một số luật chuyên ngành đã quy định thêm hàng hóa, dịch vụ cụ thể cần thực hiện định giá, như: giá dịch vụ ra, vào bến xe; giá dịch vụ vận tải hành khách, hành khách trên đường sắt đô thị; khung giá thù lao dịch vụ đấu giá tài sản; giá quy hoạch… Không chỉ được bổ sung tại luật, một số hàng hóa, dịch vụ còn được bổ sung thực hiện định giá tại các nghị định, thông tư như: Nghị định 96/2012/NĐ-CP bổ sung dịch vụ cai nghiện chất dạng thuốc phiện; Nghị định 146/2016/NĐ-CP bổ sung dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP bổ sung dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; Thông tư 36/2015/TT-BGTVT bổ sung 9 dịch vụ hàng không khác...

Theo quy định tại Luật Giá, việc định giá phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận (tính đúng, tính đủ), song với một số trường hợp đặc thù (như các dịch vụ mang tính chất công ích, sự nghiệp công có ảnh hưởng nhạy cảm đến đời sống xã hội như: dịch vụ sử dụng đường bộ, dịch vụ sử dụng đò phà tại các vùng sâu, vùng xa, dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt...) thì ngoài việc phải tính đúng, tính đủ các chi phí còn phải tính đến các yếu tố về thu nhập của người dân hoặc điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, cần thiết phải bổ sung nghiên cứu nguyên tắc về lộ trình triển khai cơ chế giá thị trường tại luật.

Nhìn từ khía cạnh khác, các hình thức định giá (giá cụ thể, khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu) theo quy định hiện hành chưa bao quát, chưa đáp ứng được những phát sinh trong thực tiễn gần đây. Thực hiện đẩy mạnh chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều mặt hàng quan trọng thiết yếu, có tính độc quyền có tác động ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng như xây dựng, gas, than, một số mặt hàng nông sản... đã được đưa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy có những hạn chế nhất định khi nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có sự cạnh tranh đầy đủ, doanh nghiệp vẫn có thể lợi dụng vị thế của mình để định giá hàng hóa, dịch vụ không phù hợp nguyên tắc thị trường.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Luật Giá chưa có các quy định cụ thể về công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá và thẩm định giá vẫn còn chưa đủ chặt chẽ, đảm bảo theo kịp với sự phát triển, thay đổi không ngừng của kinh tế - xã hội nói chung, cũng như từng ngành nghề nói riêng. Trong bối cảnh quản lý giá bằng các biện pháp vĩ mô, trao nhiều quyền chủ động cho doanh nghiệp, thì việc tăng cường công tác hậu kiểm cần được chú trọng hơn nữa. Đó cũng sẽ là một trong những nội dung quan trọng cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục