Ngày 31-5-2011, VAFI đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị nhanh chóng ban hành “phí được quyền mua ô tô, xe máy”.
Theo VAFI, ô tô con và xe gắn máy 2 bánh là những mặt hàng thuộc danh mục hạn chế nhập khẩu vì ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển giao thông công cộng và cán cân thanh toán ngoại tệ quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lượng ô tô, xe gắn máy nhập về vẫn tăng mạnh về số lượng và giá trị nhập khẩu. Hàng năm nước ta vẫn phải mất hàng tỷ USD cho việc nhập khẩu này.
Lý do chính của tình trạng nêu trên là do các sắc thuế hiện hành như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt dù có áp dụng hết khung vẫn không ngăn chặn được vì số tiền này vẫn rất nhỏ so với thu nhập của người giàu. Sử dụng công cụ “phí được quyền mua ô tô, xe gắn máy” ở mức rất cao so với giá trị thị trường của ô tô xe máy như nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng thì Chính phủ có thể kiểm soát được số lượng cũng như cơ cấu phương tiện, giá trị nhập khẩu của xe theo từng thời kỳ. “Phí được quyền mua ô tô, xe máy” sẽ ngày càng gia tăng với tốc độ phát triển của GTCC và số tiền thu được sẽ dùng cho phát triển giao thông.
VAFI cũng nêu ra phương án thu phí theo hướng xe bình dân (xe có giá trị thấp) không thu phí ở khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ. Xe bình dân dùng ở thành phố lớn sẽ phải đóng phí nhưng với mức rất thấp nhằm khuyến khích người dân từng bước sử dụng phương tiện GTCC. Với loại xe đắt tiền (có giá trị gấp 3 lần xe bình dân) thu phí bằng 2 lần trị giá xe trở lên, xe đắt tiền hơn (có trị giá gấp 5 lần xe bình dân) thu phí bằng 4 lần trị giá xe… Mức thu phí này áp dụng cho mọi đối tượng trừ các loại xe công cộng như xe buýt, xe taxi… VAFI cho rằng, với mức thu này có thể ngăn chặn gần như hoàn toàn việc dùng xe xa xỉ, làm giảm 1/2 tổng giá trị nhập khẩu phụ tùng, linh kiện xe nguyên chiếc và nếu Chính phủ không làm mạnh mẽ thì trong tương lai không xa các thành phố lớn sẽ không còn đường mà đi.
Ngoài ra, VAFI cũng đề xuất không cấp phép thành lập các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy vì hiện nay đã quá nhiều, hơn nữa tất cả các cơ sở này đều không có khả năng nội địa hóa vượt quá 50%. Các cơ sở hiện có đều là nhóm “thuế thấp cho khu vực sản xuất trong nước” nhưng trong tương lai họ lại không có khả năng phát triển theo chiều sâu.
PV