Đề xuất hủy kết quả, cấm tham gia đấu giá nếu trúng giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính

Cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường.
Đề xuất hủy kết quả, cấm tham gia đấu giá nếu trúng giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính

Trình bày tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại phiên họp của UBTVQH chiều 16-8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Đấu giá tài sản hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, phù hợp thực tiễn; việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù còn khó khăn. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh - quân đỏ”, thông đồng, dìm giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp, cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc…

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật sửa đổi; cho rằng hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý, theo Báo cáo số 1360-BC/ĐĐQH ngày 19-1 của Đảng đoàn Quốc hội, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành được cho là có bất cập nhưng chưa được đề xuất sửa đổi tại dự thảo luật (như quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; lựa chọn tổ chức đấu giá). Ông dẫn chứng, có ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 1 Điều 39 (về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước), mức thu tiền đặt cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất có biên độ áp dụng quá lớn, không thống nhất (có nơi cao, nơi thấp khác nhau) dẫn đến xuất hiện hành vi trục lợi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Có ý kiến cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá. Trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, qua thẩm tra sơ bộ có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày nếu bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì mới bị hủy kết quả trúng đấu giá đất là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời hạn nộp tiền thì có thể gây ra khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn. Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn nộp tiền hợp lý, khả thi, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý nếu người trúng đấu giá không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tài chính theo hướng hủy kết quả trúng đấu giá và không cho tham gia đấu giá trong một thời hạn. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện) hủy kết quả trúng đấu giá.

Tin cùng chuyên mục