(SGGPO).- Kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam là nội dung của cuộc tọa đàm do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 17-3.
Công trình nghiên cứu công phu với sự phối hợp giữa Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các chuyên gia của Bộ Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội… đã được giới thiệu tại cuộc tọa đàm, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác lập pháp, khắc phục tình trạng vừa “thiết kế” vừa thi công; vừa xây dựng pháp luật, vừa đề xuất chính sách.
Hình ảnh buổi tọa đàm
Bên cạnh những nhận định chung, rất nhiều quy định rất cụ thể đã được các tác giả công trình nghiên cứu đề xuất. Đơn cử, liên quan đến các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, trên cơ sở nghiên cứu pháp luật nhiều nước, nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất nghiên cứu bỏ quy định về số cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần; bởi lẽ nếu công ty bắt buộc phải có 3 cổ đông thì khi số lượng cổ đông không đạt mức tối thiểu, công ty cổ phần có nguy cơ phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và chấm dứt tồn tại với tư cách công ty cổ phần. Thêm vào đó, cũng không nên khống chế số lượng thành viên Hội đồng quản trị mà để các công ty tự quyết định.
Cũng liên quan đến công ty cổ phần, cần mở rộng quyền khởi kiện của cổ đông công ty để bảo vệ lợi ích của công ty và của họ. Hiện nay chỉ có những cổ đông sở hữu ít nhất 1% cổ phần mới có quyền khởi kiện và đối tượng bị khởi kiện chỉ là thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty. Đề nghị nghiên cứu quy định cả những cổ đông sở hữu ít hơn 1% cổ phần cũng được khởi kiện và đối tượng bị khởi kiện là bất kỳ người thứ 3 nào với một số điều kiện kèm theo.
Một đề xuất đáng lưu ý khác là phát triển rộng rãi bảo hiểm trách nhiệm của người quản lý công ty. Bằng việc này, công ty bảo hiểm sẽ tham gia giám sát hoạt động của người quản lý công ty; tạo ra thêm một kênh giám sát hiệu quả nữa. Cũng liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia đề nghị nghiên cứu ban hành thêm các công cụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ, đặc biệt là người sở hữu trái phiếu; bổ sung các quy định về những trường hợp mà cổ dông phải chịu trách nhiệm cá nhân…
Các kiến nghị quan trọng khác chủ yếu trong các lĩnh vực pháp luật về hợp đồng, về quản lý, điều tiết kinh tế, phát triển các loại thị trường.
Về quản lý kinh tế, đáng lưu ý là đề xuất xây dựng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập, hoạt động theo luật và các tiêu chí của thị trường; xây dựng Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng trung ương hiện đại, hoạt động độc lập theo pháp luật, có tính tự chủ và độc lập cao trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ; ban hành Luật Quy hoạch nhằm thống nhất hệ thống pháp luật về quy hoạch… cũng là đề xuất từ nhóm chuyên gia này.
ANH PHƯƠNG