Đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ: Đưa bằng được đối tượng phạm tội về Việt Nam để trừng trị

Liên quan tới đề xuất của Bộ Công an về việc xây dựng Luật Dẫn độ, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS-TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) về những đề xuất liên quan.

* PHÓNG VIÊN: Thưa Thiếu tướng, xuất phát từ thực tiễn nào mà Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ?

* Thiếu tướng PHẠM CÔNG NGUYÊN: Hiện nay, tội phạm có tính chất nguy hiểm, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế, tội phạm phi truyền thống đang gia tăng.

Bên cạnh đó, sau hơn 15 năm thực hiện Luật Tương trợ tư pháp 2007 đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ, như: Luật điều chỉnh 4 lĩnh vực nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và bản chất khác nhau, nên luật khó bảo đảm áp dụng đồng bộ, dẫn đến việc các quy định chung của luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực.

Một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên..., dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện...

Bộ Công an Việt Nam bàn giao đối tượng Daniil Alekseevich Kolodnitskiy cho đoàn tiếp nhận của Liên bang Nga
Bộ Công an Việt Nam bàn giao đối tượng Daniil Alekseevich Kolodnitskiy cho đoàn tiếp nhận của Liên bang Nga

Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 20 điều ước quốc tế đa phương có các quy định liên quan đến dẫn độ. Từ năm 2007 đến nay, nhà nước ta đã đàm phán, ký 16 hiệp định chuyên về dẫn độ với 16 nước. Việc ban hành Luật Dẫn độ sẽ góp phần tạo điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế.

* Bộ Công an đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế như thế nào để các quy định khi áp dụng sẽ phù hợp với điều kiện Việt Nam?

* Chúng tôi đã tiến hành rà soát kỹ 22 điều ước quốc tế đa phương có các quy định liên quan đến dẫn độ và 16 hiệp định song phương về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết để đánh giá, lựa chọn các quy định phù hợp với Việt Nam. Chúng tôi cũng tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình các quốc gia này đàm phán các điều ước về dẫn độ với Việt Nam.

Để thực hiện các dự thảo nội dung liên quan, chúng tôi đã thu thập các tài liệu, quy định pháp luật của các quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam hoặc có nhiều đối tượng Việt Nam lẩn trốn (như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu) để học tập các kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt của các quốc gia này trong quá trình xây dựng Luật Dẫn độ.

Chúng tôi đồng thời tiến hành thu thập, nghiên cứu kỹ luật mẫu về dẫn độ của Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế và khu vực để xây dựng Luật Dẫn độ của Việt Nam, như Công ước châu Âu về dẫn độ, dự thảo Hiệp định ASEAN về dẫn độ (đang trong quá trình đàm phán).

* Hiện nay, tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam có xu hướng bỏ trốn sang các quốc gia có yêu cầu cam kết không tuyên hình phạt tử hình trong dẫn độ. Việc có Luật Dẫn độ sẽ giải quyết loại tội phạm này như thế nào?

* Pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình. Một số quốc gia, đặc biệt là một số nước châu Âu, không quy định hình phạt tử hình, do đó khi tiến hành xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội. Nếu không có cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ chối. Việc này sẽ dẫn đến sót lọt tội phạm, gây hậu quả khôn lường, các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Vì vậy, việc bổ sung quy định này trong Luật Dẫn độ không chỉ bảo đảm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế mà còn không để sót lọt tội phạm, bảo đảm đối tượng phạm tội phải bị trừng trị trước pháp luật. Quy định này nhằm vào các đối tượng đang bỏ trốn ở nước ngoài, với mục tiêu cao nhất là phải đưa bằng được các đối tượng này về Việt Nam để trừng trị trước pháp luật. Khi quy định này được thông qua cũng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong nước.

* Trong tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị yêu cầu dẫn độ?

* Đề xuất này được hiểu, sau khi bị dẫn độ về quốc gia yêu cầu, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nếu phát hiện thêm các tội phạm mà người bị dẫn độ đã thực hiện trên lãnh thổ quốc gia yêu cầu trước khi bỏ trốn sang quốc gia được yêu cầu thì các quốc gia có thể thỏa thuận với nhau để mở rộng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ.

Điều này đã được quy định trong các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, cần thiết phải bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ để tránh bỏ lọt tội phạm.

* Bộ Công an cũng đề xuất có quy định về bắt khẩn cấp để dẫn độ, việc này có vi phạm các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên?

* Việt Nam là thành viên của 21 điều ước quốc tế song phương về dẫn độ có quy định về bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ trước khi nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức. Theo đó, trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể yêu cầu nước ký kết kia bắt giữ người bị yêu cầu dẫn độ trong thời gian chờ yêu cầu dẫn độ chính thức.

Đặc biệt, trong 7 hiệp định về dẫn độ với Liên bang Nga, Tiệp Khắc (Czech và Slovakia kế thừa), Mông Cổ, Lào, Ba Lan, Cuba, Bulgaria còn quy định các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể bắt giữ một người đang có mặt trên lãnh thổ nước mình nếu có căn cứ xác định người này đã thực hiện tại nước ký kết kia một tội phạm có thể bị dẫn độ theo hiệp định mà không cần có yêu cầu bắt giữ. Các hiệp định cũng quy định người bị bắt trong trường hợp này phải bị giam giữ tại nước ký kết bắt giữ trong một thời hạn nhất định (tối thiểu 1 tháng) kể từ ngày nước ký kết kia nhận được thông báo về việc bắt.

Quy định trên của các hiệp định nhằm bảo đảm việc thực hiện yêu cầu dẫn độ đạt được hiệu quả, tránh trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ tiếp tục bỏ trốn trong thời gian kể từ khi bị phát hiện đến khi các cơ quan có thẩm quyền lập, dịch và gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức. Như vậy, quy định này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Czech

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký Quyết định số 1109/2023/QĐ-CTN phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Czech, theo đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 394/TTr-CP ngày 22-8-2023.

Việt Nam và Czech thiết lập quan hệ ngoại giao được hơn 70 năm. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Czech được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của Czech.

Việt Nam và Tiệp Khắc đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự năm 1982 (hiện Czech kế thừa), là khung pháp lý để hai bên phối hợp giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự trong thời gian qua.

Để đáp ứng các yêu cầu mới của thực tiễn, việc phê chuẩn hiệp định riêng về tương trợ tư pháp hình sự thay thế các quy định về tương trợ tư pháp hình sự trong hiệp định năm 1982 là cần thiết, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về tương trợ tư pháp giữa hai nước.

Việc phê chuẩn hiệp định phù hợp với đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, là sự cụ thể hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp hình sự, hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục