Xây dựng Luật Dẫn độ: Răn đe những tội phạm có tư tưởng bỏ trốn ra nước ngoài

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ và dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong đó có nhiều quy định được xem là chế tài để xử lý tội phạm nguy hiểm bỏ trốn ra nước ngoài.

Đề xuất bắt khẩn cấp để dẫn độ

Theo đó, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ với việc bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ; bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị yêu cầu dẫn độ; bổ sung quy định về dẫn độ đơn giản; bổ sung quy định về bắt khẩn cấp để dẫn độ.

Thực tế trong thời gian qua, liên quan các vụ án kinh tế, tham nhũng đã có nhiều bị can bỏ trốn khiến cơ quan tố tụng trong nước khó khăn trong việc điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay, nhiều bị can trong các đại án kinh tế, tham nhũng chưa thể bắt giữ như: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty AIC) và các đồng phạm; Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương); Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường)…

Dẫn độ đối tượng Dmitriy Viktorovich Serebryakov (đứng thứ 3 từ bên trái sang)
Dẫn độ đối tượng Dmitriy Viktorovich Serebryakov (đứng thứ 3 từ bên trái sang)

Mặc dù có khó khăn trong việc truy bắt tội phạm bỏ trốn, nhưng kết quả trong tương trợ tư pháp vẫn đạt được kết quả nhất định. Thời gian qua, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 38 yêu cầu dẫn độ; đã lập và chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Gần đây nhất, cuối tháng 7-2023, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tổ chức bàn giao đối tượng Buruian Maksim Anatolyevich cho đoàn tiếp nhận của Liên bang Nga để nước này truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, giữa năm 2022, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bàn giao đối tượng Dmitriy Viktorovich Serebryakov bị yêu cầu dẫn độ cho Bộ Nội vụ Liên bang Nga.

Trở lại đề xuất của Bộ Công an, trong quá trình xây dựng các nội dung liên quan, Bộ Công an đề xuất cần có quy định bắt khẩn cấp để dẫn độ. Đây được xem quy định đánh mạnh vào tâm lý tội phạm muốn bỏ trốn để thoát tội, quy định này cũng được xem để ngăn chặn hành vi trốn thoát của tội phạm trong khi chờ quyết định về dẫn độ.

Đại diện Bộ Công an lý giải, vừa qua, công an một số địa phương tiến hành bắt giữ một số đối tượng người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài rồi lẩn trốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện xảy ra tình trạng nhiều viện kiểm sát cấp tỉnh và cả cấp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ phê chuẩn quyết định bắt, tạm giữ mà không phê chuẩn quyết định tạm giam, có trường hợp không thể phê chuẩn cả quyết định bắt. Lý do là trong Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các trường hợp này.

“Vì vậy, cần bổ sung quy định trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể áp dụng bắt khẩn cấp trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức”, Bộ Công an đề xuất.

Chủ động xây dựng bộ quy tắc về dẫn độ

Liên quan những đề xuất trên của Bộ Công an, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law Firm) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế phát triển, tình hình tội phạm quốc tế và trong nước cũng diễn biến phức tạp, trong khi Luật Tương trợ tư pháp 2007 chưa đáp ứng được yêu cầu về phòng chống tội phạm và dẫn độ. Do đó, luật sư Tú đề nghị không thể trông chờ vào việc “bang giao, hữu hảo”, mà cần chủ động xây dựng bộ quy tắc phối hợp mới cho phù hợp trong bối cảnh mới về dẫn độ tội phạm.

Luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một số nước, đặc biệt là châu Âu có quy định quản lý công dân nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nếu không có các điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước sở tại thì không thể dẫn độ tội phạm; kể cả căn cứ buộc tội đã rõ ràng. Vì vậy, luật sư Đại nêu quan điểm, việc đề xuất có Luật Dẫn độ là cần thiết.

Đoàn công tác của Việt Nam và Liên bang Nga tiến hành bàn giao đối tượng Buruian Maksim Anatolyevich (ngoài cùng bên phải)
Đoàn công tác của Việt Nam và Liên bang Nga tiến hành bàn giao đối tượng Buruian Maksim Anatolyevich (ngoài cùng bên phải)

Cũng theo luật sư Đại, lợi dụng “kẽ hở” Việt Nam chưa có Luật Dẫn độ, cùng với đó là các nước có quy định quản lý công dân chặt chẽ nên tội phạm có chức vụ, có trình độ đã nghiên cứu, tìm hiểu trước để bỏ trốn sang các quốc gia đó. Nếu Việt Nam có Luật Dẫn độ sẽ xử lý cơ bản triệt để các vụ án, các tội phạm có chức vụ bỏ trốn.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Thị Thanh Hằng, Công ty Luật TNHH Fanci, hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa có quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp chưa nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức, tạo kẽ hở để những người bị yêu cầu dẫn độ tiếp tục bỏ trốn. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định trong trường hợp nếu nước ngoài có yêu cầu áp dụng biện pháp bắt người khẩn cấp để dẫn độ thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp trước khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.

"Khi có Luật Dẫn độ sẽ làm thay đổi suy nghĩ của tội phạm theo hướng tích cực vì khi có một hành lang pháp lý chặt chẽ về việc dẫn độ sẽ răn đe được những đối tượng tội phạm có tư tưởng bỏ trốn sang nước ngoài để trốn trách nhiệm hình sự hoặc để thoát tội tử hình", luật sư Hằng nêu quan điểm.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) cho biết, việc xây dựng Luật Dẫn độ là rất cần thiết, bởi thực tế hiện nay có nhiều tội phạm bỏ trốn nước ngoài, khó truy bắt.

Tuy vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, có Luật Dẫn độ mới chỉ là quy tắc khung, quan trọng phải ký được các hiệp định về tương trợ tư pháp đối với nước sở tại, trong đó có các nội dung về dẫn độ.

“Câu chuyện về hợp tác dẫn độ là những hiệp định quốc tế song phương. Chúng ta đã có Luật Tương trợ tư pháp, nhưng việc các nước có đáp ứng yêu cầu về dẫn độ hay không còn do thiện chí của các nước. Nếu chưa ký được hiệp định về tương trợ tư pháp mà gặp trường hợp cụ thể thì phải theo nguyên tắc đối đẳng. Do đó, cần thiết có Luật Dẫn độ”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nêu quan điểm.

Theo Bộ Công an, pháp luật Việt Nam đang có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình.

Tuy nhiên, một số quốc gia chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng không thi hành hình phạt đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Do đó, khi tiến hành xử lý các yêu cầu dẫn độ, những quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên án nhưng không thi hành đối với người phạm tội. Vì vậy, nếu chính thức luật hóa quy định trên, phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.

Tin cùng chuyên mục