Hàng trăm học sinh ở TPHCM đã có một buổi học ngoại khóa thật thú vị với chương trình giao lưu về nhạc khí dân tộc Việt Nam vừa được tổ chức tại Bảo tàng TPHCM. Chương trình là một trong những nỗ lực của ngành bảo tàng TPHCM nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp của âm nhạc dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ.
Mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những sắc thái văn hóa riêng làm nên bức tranh văn hóa dân tộc hết sức phong phú. “Từ những điệu sáo dặt dìu của người H’Mông, điệu hát then hát lượn của người Mường, rồi làn điệu chèo, dân ca quan họ Bắc Ninh. Đó còn là những điệu hò của miền Trung, tiếng trống đầy hào khí hội võ Tây Sơn - Bình Định, tiếng cồng chiêng âm vang của vùng Tây Nguyên hùng vĩ, là những bài ca cổ trải dài của vùng sông nước Nam bộ. Để có được những âm hưởng tuyệt vời đó, không thể thiếu những nhạc cụ đặc trưng của mỗi dân tộc”, nghệ sĩ nhạc dân tộc Đức Dậu chia sẻ.
Quả thật, những thanh âm cất lên từ chiếc đàn đá, tiếng đàn T’rưng… vang vọng, lúc trầm lúc bổng đã khiến người nghe ngây ngất như tìm về giữa đại ngàn Tây Nguyên. Tiếng kèn lá, đàn K’ní, đàn goong, K’long put, cồng, chiêng hòa quyện và những hồi trống hào hùng đã khiến các bạn trẻ ngạc nhiên, thích thú.
Màn giới thiệu các nhạc khí dân tộc của nghệ sĩ Đức Dậu đã chinh phục tình cảm hàng trăm học sinh có mặt sáng hôm ấy. Đến phần biểu diễn kết hợp các tiết mục của ông và ban nhạc gõ Phù Đổng thì cả khu vực sảnh của Bảo tàng TPHCM như vỡ òa, nhiều em cố chen để được đứng ở hàng trên bởi em nào cũng muốn được tận mắt xem từng động tác của người nghệ sĩ sáng tạo và tài hoa này.
Tham gia chương trình, em Hoàng Phúc Thiên Ân, học sinh lớp 6/3 Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp thắc mắc, muốn tìm hiểu về âm nhạc dân tộc và học các nhạc cụ dân tộc thì học ở đâu và trong thời gian bao lâu? Một nữ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi khiến nhiều người bất ngờ khi nêu ý kiến: “Em đọc báo thấy tổ chức UNESCO đã công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam là di sản của thế giới, vậy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là gì?”.
Cô Đỗ Y Thùy Chi, giáo viên nhạc họa Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, nhìn nhận: “Có trải qua những chuyến đi thực tế như thế này, các em mới thích, mới gần gũi với âm nhạc dân tộc. Theo tôi, đây là chương trình ngoại khóa rất bổ ích”.
Đồng tình và đánh giá cao chương trình này, cô Tiêu Thị Kim Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng giáo dục Gò Vấp cho biết, sẽ tổ chức bồi dưỡng văn hóa dân tộc và âm nhạc truyền thống cho các giáo viên nhạc họa, bởi đây là chương trình rất thiết thực và bổ ích.
Quảng bá, giới thiệu nét đẹp của văn hóa dân tộc để thu hút du khách và qua đó gắn kết hoạt động “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần giáo dục truyền thống cho các bạn trẻ chính là mục đích của chương trình.
MINH AN