Đền bù giải phóng mặt bằng: Thấy rối phải gỡ ngay

Tại buổi giám sát trực tiếp về dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 1A (đoạn An Lạc - Long An), dự án xây cầu Bưng (giáp ranh quận Bình Tân và Tân Phú) vừa diễn ra cách đây vài ngày của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, một lần nữa cho thấy, cần rút ra bài học về việc đền bù giải tỏa.

Chẳng hạn, đối với dự án nút giao thông An Lạc - Bình Thuận, nằm trong dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 1A, được phê duyệt từ tháng 5-2013, nhưng cho đến nay UBND huyện Bình Chánh mới chỉ hoàn thành công tác điều tra, khảo sát hiện trạng của các hộ dân bị ảnh hưởng. Lý giải cho sự chậm trễ này, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho rằng, mặc dù thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 5-2013 nhưng 4 tháng sau (9-2013) chủ đầu tư mới tiến hành bàn giao cột mốc cho Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện. Tới tháng 6-2014, Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng mới chính thức nhận ranh hoàn chỉnh. Chưa hết, trong quá trình triển khai dự án còn gặp nhiều vướng mắc do “lịch sử” để lại, như: các hộ dân nằm trong khu vực chồng lấn ranh của dự án khu E và dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A trước đây; thất lạc hồ sơ, pháp lý của các hộ dân nằm trong dự án cũ từng được phê duyệt đơn giá bồi thường… Từ đó dễ nảy sinh bất cập về giá đền bù, có nguy cơ xảy ra tranh chấp, kiện cáo.

Chính ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, trong buổi giám sát ở huyện Bình Chánh đã phải thừa nhận rằng, dự án (mở rộng quốc lộ 1A đoạn An Lạc - Long An) đã triển khai chậm gần 4 năm, khiến người dân sống trong vùng có quyết định giải tỏa cảm thấy phập phồng lo lắng. Do vậy, theo ông Tuyến, dự án chậm sẽ gây tổn thất nhiều mặt, nên các đơn vị có liên quan cần tập trung triển khai xây dựng nhanh gọn, dứt điểm, không thể rề rà chờ đợi. Đại diện người dân trong diện có đất bị giải tỏa thuộc dự án xây cầu Bưng, ông Trần Kỳ Hòa (616 Lê Trọng Tấn, quận Bình Tân), tâm tư: “Không người dân nào muốn chống đối hay làm khó dễ đơn vị bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chúng tôi chỉ mong được đền bù với mức giá hợp lý để có thể an cư. Chính quyền, các cơ quan chuyên trách nên tôn trọng, khảo sát nguyện vọng người dân, đưa ra quyết định hợp tình, hợp lý thì chắc chắn lòng dân sẽ yên”.

Việc nâng cấp mở rộng đường, xây cầu mới giúp lưu thông dễ dàng, an toàn là chủ trương tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và đối tượng được hưởng lợi trước hết chính là người dân. Do vậy, trong quá trình triển khai xây dựng dự án, nếu vướng ở chỗ nào thì đơn vị đầu tư xây dựng cùng địa phương nhanh chóng tháo gỡ ngay chỗ đó. Đúng như cách nói của đại biểu Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM tại một buổi giám sát dự án xây dựng rằng, một khi cán bộ địa phương làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, sâu sát, gần dân thì chắc chắn lòng dân sẽ yên và mọi việc được giao đều dễ dàng hoàn thành.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục