Đến Đức chữa bệnh

Mở đầu bài viết “Chương trình chăm sóc sức khỏe của Đức hút bệnh nhân nước ngoài”, tờ New York Times dẫn câu chuyện Tổng thống Iraq Jalal Talabani đã chọn Berlin là nơi điều trị bệnh đột quỵ trong tuần này thay vì đến nước đồng minh Mỹ hay Anh.

Mở đầu bài viết “Chương trình chăm sóc sức khỏe của Đức hút bệnh nhân nước ngoài”, tờ New York Times dẫn câu chuyện Tổng thống Iraq Jalal Talabani đã chọn Berlin là nơi điều trị bệnh đột quỵ trong tuần này thay vì đến nước đồng minh Mỹ hay Anh.

Còn đối với quân đội Mỹ, Đức luôn là “nhà ga y tế” - nơi các binh sĩ tại chiến trường Iraq và Afghanistan điều trị các thương tật. Các bệnh viện Đức còn là điểm đến của những bệnh nhân giàu có hoặc các lãnh đạo cấp cao đến từ nhiều quốc gia Trung Đông, Nga, châu Á…

Theo thống kê của chính phủ Đức, số bệnh nhân nước ngoài từ Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã tăng từ 339 người trong năm 2000 lên 2.000 người trong năm nay. Chỉ tính riêng ở Saudi Arabia, con số này đã tăng từ 143 người lên 712 người. Số lượng bệnh nhân đến từ Nga cũng tăng nhanh chóng, từ 842 lên 4.873 người.

Vì sao nước Đức lại trở thành một điểm đến thu hút bệnh nhân nước ngoài đến như vậy? Bà Isabella Beyer, nhà nghiên cứu du lịch y tế tại Đại học Khoa học ứng dụng Bonn-Rhein-Sieg, cho rằng do Đức chủ trương phát triển ngành y tế không những chỉ để phục vụ người dân mà còn thu hút người nước ngoài, dịch vụ y tế của Đức đa dạng, có thể điều trị mọi đối tượng từ bình dân đến cao cấp. Các bệnh viện và phòng khám lại rất biết cách tiếp thị hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. Ngành y tế Đức còn được hưởng lợi từ giá dịch vụ thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng vẫn có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao.

Các bệnh nhân ở nước ngoài thường không hài lòng với chất lượng điều trị tại nước mình phần vì thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc. Trong khi đó, theo nhiều bệnh nhân nước ngoài đến Đức, các bác sĩ không có động cơ “làm tiền” bệnh nhân mà họ chỉ có mục đích duy nhất là chữa bệnh thật tốt. Thu nhập của bác sĩ ở đây cũng xứng đáng với công sức bỏ ra nên họ không có nhu cầu “móc túi” bệnh nhân. Đây là những yếu tố góp phần làm nên thương hiệu chăm sóc sức khỏe của ngành y tế Đức.

Điều may mắn là ngành y tế Đức đã bắt trúng tâm lý đang trở thành xu hướng thịnh hành trên thế giới: du lịch kết hợp chữa bệnh. Ngoài việc tiếp thị hình ảnh, các bệnh viện, phòng khám đã liên kết với các công ty lữ hành giới thiệu những địa điểm du lịch nổi tiếng đặt gần những khu điều trị của bệnh nhân, khiến họ cảm thấy hài lòng, không băn khoăn chuyện nghỉ ngơi trong thời gian điều trị. Khoản lợi nhuận thu được từ các bệnh nhân nước ngoài giàu có sẽ dùng để tái đầu tư các bệnh viện tại Đức, hạn chế thâm hụt ngân sách cho ngành y tế, góp phần đảm bảo hệ thống an sinh xã hội tại nước này.

Theo nhiều nhà phân tích, đây là một hướng tiếp thị thông minh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang gặp ảnh hưởng từ cơn bão nợ công tại châu Âu. Nước Đức vừa đón nhận một loạt các số liệu kinh tế đáng thất vọng như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong khi lượng đơn đặt hàng công nghiệp lại bất ngờ sụt mạnh nhất trong vòng một năm qua. Khi nền kinh tế  đầu tàu của châu Âu bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực từ tình hình khó khăn chung hiện tại, việc thu những khoản lợi nhuận từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ góp phần giúp nền kinh tế nước này bớt chật vật hơn trong thời khủng hoảng.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục