Đến hẹn lại… hành động

Trung Quốc vừa đóng cửa gần 500 công ty sản xuất sữa trong nước - một hành động được đánh giá là mạnh tay và không khoan nhượng để bảo vệ sức khỏe. Vậy, Việt Nam thì sao? Xin thưa là… không sao vì chúng ta đã quá quen với “vấn nạn” an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nào là rau củ dư thừa thuốc bảo vệ thực vật; cá thịt nhiễm vi sinh, tạp chất trong thức ăn chăn nuôi; rồi thực phẩm chế biến nhiễm hóa chất gây ung thư… Hóa ra, nhiều người dân bây giờ không bị bệnh tình gì mà… sợ ăn!

Thật không ngoa khi một số chuyên gia dự Hội nghị Tổng kết Chương trình ATVSTP quốc gia từ năm 2006-2010 đánh giá ATVSTP đang gây bất an cho người dân. Năm 2010 vừa qua đã có tới 42 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm, chưa kể hàng ngàn người phải cấp cứu tại bệnh viện do ăn phải thực phẩm “bẩn”.

Với trên 73.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm những quy định về ATVSTP trong năm 2010, chiếm trên 16% tổng số cơ sở được kiểm tra, cho thấy nguy cơ ngộ độc luôn rình rập. Đó là chưa kể qua xét nghiệm trên 53.000 mẫu thực phẩm, tỷ lệ mẫu không đạt chỉ tiêu chất lượng chiếm gần 20%.

Tại một cuộc hội thảo về phụ gia thực phẩm tổ chức mới đây tại TPHCM, các chuyên gia cảnh báo rất lạ: “Hễ thấy thực phẩm đẹp mắt thì hãy cân nhắc”. Bởi đó là phụ gia ngoài danh mục, là Rhodamine B, là Formol... Tuy nhiên, thử hỏi Cục ATVSTP Bộ Y tế đã cảnh báo được gì cho người dân? Có chăng sau khi cơ quan chức năng các nước công bố thông tin, rồi dư luận trong nước bức xúc, cục lại rốt ráo hô hào vào cuộc ngăn chặn.

Điều đáng nói, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương đều lấy các ngày từ 15- 4 đến 15-5 hàng năm phát động Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP nhưng càng hành động thì… càng bất an. Điều này quả là nghịch lý vì tổng kết của Chi cục ATVSTP TPHCM cho thấy, hễ cứ đến tháng “hành động” là số vụ ngộ độc lại tăng lên đột biến. Ngay trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2009 có đến 7 vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra, mặc dù chủ đề được đưa ra nghe rất… kêu: “Cộng đồng trách nhiệm vì ATVSTP”. Và năm 2010, với chủ đề “Giữ vững cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp vì ATVSTP”, các chuyên gia vì sức khỏe cộng đồng không khỏi bức xúc vì doanh nghiệp thực phẩm gây ngộ độc quá nhiều. Và năm 2011 này, khi “Tháng hành động…” đang đến gần, liệu các ban, ngành sẽ đưa ra khẩu hiệu gì?

Riêng tại TPHCM, bình quân mỗi năm xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với cả ngàn người mắc. Không chỉ bếp ăn tập thể cho công nhân, trong các bệnh viện, trường học… mà thức ăn đường phố ngày càng trở nên nghiêm trọng cho sức khỏe. TPHCM đã có chương trình quy hoạch hàng rong, quán ăn vỉa hè, rồi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho hàng rong, quán cóc nhưng nay thực hiện đến đâu vẫn không ai rõ.

Hơn nữa, công tác kiểm nghiệm để phòng ngừa ngộ độc ATVSTP còn nhiều hạn chế. Tìm ra nguyên nhân, tìm ra độc chất để sớm cảnh báo, xây dựng những quy chuẩn an toàn thực phẩm là những nguyên tắc tối cần thiết. Vậy nhưng, những nguyên tắc ấy được các cơ quan kiểm soát thực phẩm nước ta thực hiện ngược lại. Nghĩa là cứ nghe, thấy sản phẩm nào, thức ăn nào gây ngộ độc, có nguy cơ gây hại thì lấy mẫu, kiểm nghiệm rồi cảnh báo. Hầu hết labo xét nghiệm của trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh, TP trong cả nước hiện nay chỉ mới xét nghiệm được một số chỉ tiêu vi sinh cơ bản như phẩm màu, chất ngọt tổng hợp trong thực phẩm, một số vi khuẩn gây hại Coliform, E.Coli, Samonella. Còn các hóa chất độc hại gây ung thư, gây biến đổi gien thì... bó tay.

Năm nay, Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được phát động vào ngày 15-4 tới tại tỉnh Bình Dương.  Một số ý kiến không khỏi băn khoăn: “Hành động cả năm chưa ăn thua huống gì một tháng!”.

Quỳnh Chi

Tin cùng chuyên mục