Đến hẹn lại lên (?!)

Đội U-20 Việt Nam đang trên đường về sau khi bị loại ở vòng chung kết châu Á. Không ít người nghe đến đấy vội phán: “Sẽ lại là một đám tàn quân, tổng kết sơ sài và giải tán ai về nhà nấy”...
Nhưng đấy là chuyện của quá khứ.

Chuyện thời lứa U-16 thắng Trung Quốc được ca đến tận mây xanh rồi sau đó trả hết cho Nghệ An quản lý, sau đó lại bắt lứa quân ấy những năm sau đá giải U-20 và thua tan nát Lào.

Cái thế hệ cầu thủ từng bị ngộ nhận là hơn cả “thế hệ vàng” làm mưa làm gió ở vòng chung kết U-16 châu Á 2000 đến nay còn ai?

Ở cấp đội tuyển còn được mỗi trung vệ Minh Đức sau thời gian dài trầy trật với chấn thương. Cấp CLB có được một Ánh Cường được Khánh Hòa mang từ Hà Tĩnh về cùng hàng loạt những cầu thủ của lò Nghệ An như Lâm Tấn, Như Thuật… đang “chột” dần sau những lần bộc phát ở sân chơi trẻ.

Có những nguyên nhân về lứa cầu thủ từng được xem là thế hệ hơn cả vàng ấy sau này trở nên “cá mè một lứa”. Một là sự đầu tư không đến nơi đến chốn để địa phương (đa số là cầu thủ Nghệ An) chăm sóc theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” bằng kinh phí riêng của Nghệ An; hai là việc thả lỏng trong công tác quản lý khiến có những hạt nhân trong cái thế hệ ấy bị sa chân.

Thời gian qua, công tác đào tạo và chăm lo cho cầu thủ trẻ được quan tâm hơn, việc thi đấu ở cấp độ khu vực Đông Nam Á và châu Á trong từng lứa tuổi thường xuyên hơn… thế nhưng để biến những tài năng trẻ thành vàng ròng vẫn là một vấn đề rất lớn.

***

Lứa U-20 Việt Nam hiện nay có một thuận lợi là được giao cho một HLV nội dẫn dắt rất lâu và xuyên suốt: ông Lê Tuấn Long. Ông Long cũng như HLV Nguyễn Văn Thịnh khi nắm tuyển U-16 Việt Nam năm 2000, nhưng có điều cái cách “giao quân” bây giờ khác hơn.

Sáu năm trước, ông Nguyễn Văn Thịnh được nắm quân vì ông là “lính” của ông Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh và là thầy của lứa cầu thủ Nghệ An tham gia chính trong đội tuyển U-16. Khi chuyển sang lứa U-20, cũng vẫn là ông Thịnh nhưng vai trò Trưởng đoàn khác lập tức cũng ảnh hưởng theo và sa sút. Ông Thịnh không phải là HLV kém nhưng có lúc người ta cứ buộc ông phải kém bởi giao quân nhưng không giao gậy, thậm chí không có cả cà rốt để đưa ra cho các học trò. Thế nên cũng không lạ khi ông Thịnh từng bị chính cầu thủ của mình (dẫn dắt từ tuổi 14) phản và tẩy chay mình vì trên ông Thịnh còn có những ông khác.

Ông Lê Tuấn Long đỡ hơn ông Thịnh ở cơ chế. Ông Long đang được xem là HLV “thường trực” của đội U-20 và là người được tham gia vào việc tuyển quân lẫn được làm việc theo một cơ chế nửa bó, nửa hẹp.

Ông Long làm lứa U-20 phần nào cũng giống với ông Charnvit làm lứa U-23 Thái bây giờ. Có nghĩa là gắn bó chặt chẽ với cầu thủ mình từ bé lên.

Đấy là cái mới của bóng đá Việt Nam thay cho kiểu năm nay ấn cho thầy này và năm sau lại ấn cho thầy khác, tùy theo quân thầy nào đông.

***

Cái cách giao quân và để thầy gắn bó với quân rất có lợi nhưng điều ấy mới chỉ giải quyết có một vế. Còn vế thứ hai là duy trì các hạt giống ấy như thế nào?

Lứa U-20 trở về sẽ trở thành tàn quân nếu sau buổi tổng kết sẽ là ai về nhà nấy và phó mặc cho CLB (nhiều khả năng là thế).

Lâu nay, các HLV ở CLB hay than phiền khi cầu thủ trẻ từ đội tuyển trở về họ phải làm lại và ngược lại khi lên tuyển, các thầy ở đấy cũng than thở phải làm lại nhiều thứ (!?).

Mối liên hệ giữa đội tuyển (các lứa trẻ lẫn lớn) với các CLB dù chỉ là để trao đổi chuyên môn, để nhắc nhở chú ý bổ sung hay những bài tập, những động tác bổ trợ phục vụ cho những mặt khiếm khuyết của cầu thủ thường không được thấy hai phía hỗ trợ nhau (và cũng là giúp cho cầu thủ của mình, cho tài năng của bóng đá Việt Nam). Về mặt này thì mới chỉ thấy ông Calisto và ông Riedl tự tìm đến nhau qua phong cách của hai HLV chuyên nghiệp.

U-20 đã xóa được nỗi ám ảnh mỗi giải mỗi thầy, nhưng việc thêm chất xúc tác để các cầu thủ dù giải tán vẫn tin là mình đang được theo dõi, được gắn bó với đội tuyển thì chưa.

Chúng ta không đủ kinh phí để đưa một lớp trẻ đi đào tạo dài hạn hay lập một đội tuyển thường trực vì kinh phí và ảnh hưởng lớn đến tài sản của CLB nhưng không phải là không có cách để cầu thủ sau mỗi giải không nghĩ rằng mình là tàn quân chờ đến hẹn lại lên.

Mong những nhà chiến lược trăn trở với biện pháp để những hạt ngọc chưa được mài giũa ấy không bị mai một.

Đến hẹn lại lên (?!) ảnh 1

Pha hãm thành của đội tuyển U20 Việt Nam trong trận thắng Malaysia 2-1.

Đến hẹn lại lên (?!) ảnh 2
Hàng hậu vệ đội tuyển U20 Việt Nam vất vả trong trận thua Iraq 1-3.
Đến hẹn lại lên (?!) ảnh 3
Văn Khải (18 - U20 VN) nỗ lực thoát qua 2 hậu vệ Saudi Arabia trong trận thua 0-2.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục