Đến với “Quả cầu vàng” ở Vạn Phúc...

Đến với “Quả cầu vàng” ở Vạn Phúc...

Trong lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, làng nghề Vạn Phúc là 1 trong 3 làng nghề truyền thống được tôn vinh. Tại đây, chúng tôi đã gặp cụ Triệu Văn Mão – một lão nghệ nhân của làng - đã vinh dự được nhận các giải thưởng Quả cầu vàng và Tinh hoa Việt Nam cho những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Bị thu hút bởi mẫu hoa văn lạ, độc đáo trên những tấm lụa trong cửa hàng thủ công của ông Mão tại lễ hội, chúng tôi tìm về làng Vạn Phúc…

Cách Hà Nội hơn một chục cây số là một làng nghề nổi tiếng có tên làng lụa Vạn Phúc. Xưa kia làng Vạn Phúc có tên gọi là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Đến cuối thế kỷ 19, do kiêng húy tên vua Thành Thái là Bảo Lân, làng được đổi tên thành Vạn Phúc. Bà tổ của làng nghề này là bà Ả Lã rất giỏi nghề dệt.

Đến với “Quả cầu vàng” ở Vạn Phúc... ảnh 1

Nghệ nhân dân gian Triệu Văn Mão bên khung dệt lụa cổ. Ảnh: An Dung

Bà mời một bà cụ giỏi nghề dệt về dạy nghề cho dân làng. Khi bà Ả Lã chết, dân làng tôn bà làm thần hoàng của làng. Hiện nay trong hậu cung đình của làng còn một cái kéo, một cái vạch và một cái thước sơn son thiếp vàng để thờ. Bà cụ già cũng được dân làng xây cho một cái đền ở ngay cạnh đình gọi là Đền phường cửi…

Ông Mão năm nay gần 70 tuổi nhưng trông vẫn rất khỏe, ông khoác bên ngoài chiếc áo lụa do chính tay mình dệt và dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng dệt của gia đình. Ông tự hào khoe chiếc khung cửi cổ mà chỉ có gia đình ông là còn lưu giữ, tự hào khoe những mẫu hoa văn cổ mà ông sưu tầm (nhiều mẫu trong số đó đã được ông sản xuất, trong đó có mẫu chúng tôi thấy ở lễ hội).

Ông Mão sinh ra trong một gia đình làm nghề dệt lụa “cha truyền con nối”. Ông biết nghề từ năm 7 tuổi. Năm 1968, ông xung phong đi bộ đội vượt Trường Sơn và có mặt ở những chiến trường Trị Thiên, Khu V… Xuất ngũ trở về, ông tiếp tục quay lại với nghề dệt.

Cùng những người bạn của mình là các ông Lê Văn Bằng (sinh năm 1926), Nguyễn Xuân Dễ (sinh năm 1933), Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1954), ông đã khôi phục lại những mẫu lụa quý hiếm bằng nguyên liệu tơ tằm 100%: vân quế hồng điệp, vân triện thọ, vân băng hoa, vân long phượng mây bay, vân tứ quý, song hạc, lưỡng long song phượng, bát bửu…

Những sản phẩm được nâng lên hàng tác phẩm bởi giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn sâu sắc của nó. Tuy nhiên, nhiều kỹ thuật xưa đã bắt đầu trở nên xa lạ với không ít người dân Vạn Phúc. Ông Mão cho biết: “Vì kỹ thuật dệt phức tạp, kẻ làng không ai làm”.

Nói về tâm huyết, có lẽ những người như ông Mão ở làng Vạn Phúc là rất hiếm. Ông là người nghiên cứu và tìm cách khôi phục lại kỷ vật quý là bức y nôm của triều Nguyễn. Trong suốt 6 năm mày mò dệt thử các mẫu lụa phục vụ cho trang phục cung đình, cuối cùng đích thân ông đã mang sản phẩm vào trung tâm bảo tồn di tích Huế để các chuyên gia thẩm định đánh giá.

Cũng chính loại vải này đã được dùng để may áo cho vị chủ tế là NSND Tiến Thọ mặc trong ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2000. Festival Huế đã trưng bày những bộ trang phục Vương triều Nguyễn được ông phục dựng. Lão nghệ nhân không dừng ở chỗ bảo tồn mà còn luôn mày mò sáng tạo ra những mẫu mới.

Một sản phẩm gần đây của ông được Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tặng bằng khen đó là vải khảo cổ học Đông Sơn với sự kết hợp của vỏ cây và tơ tằm. Năm 2005, Hội văn nghệ dân gian cũng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho ông. Ông giờ đã là Đại lão nghệ nhân của làng nghề Vạn Phúc. 

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục