Cuộc đua sôi nổi
Ngày 27-12-2008, cửa hàng Co.op Food đầu tiên (đặt tại chung cư Phan Văn Trị, quận 5) của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Saigon Co.op ra đời, đến nay Saigon Co.op đã sở hữu 44 cửa hàng Co.op Food. Đây cũng là chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là hàng sơ chế có uy tín tại TPHCM. Ngay từ khi thành lập, Co.op Food đã nhắm vào đối tượng chủ yếu là những phụ nữ vừa đi làm, vừa nội trợ và họ có nhu cầu mua thực phẩm ở những nơi sạch sẽ, lựa chọn nhanh gọn, thực phẩm đã được sơ chế và đảm bảo vệ sinh.
Trong năm đầu tiên, Co.op Food kinh doanh gần như không có đối thủ. Nhưng thời gian gần đây, trong phân khúc cửa hàng tiện lợi chuyên về thực phẩm tươi sống đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới.
Có mặt vào giữa năm 2011, đến nay SatraFoods (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra) đã hình thành được 10 cửa hàng. Thế mạnh của SatraFoods là có nguồn hàng dồi dào, phong phú từ chính các doanh nghiệp (DN) thành viên trực thuộc Satra như chợ đầu mối Bình Điền, Vissan, Cầu Tre, Argex…
Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng tươi sống, SatraFoods cũng tăng cường các loại thực phẩm khô, thực phẩm sơ chế và chế biến. Ra đời cách đây chưa lâu là chuỗi cửa hàng New Chợ của Công ty TNHH Bách Hóa Mới. Nhiều ý kiến cho rằng, New Chợ là cánh tay nối dài của hệ thống siêu thị BigC, cho dù BigC chưa chính thức thừa nhận. Bên cạnh các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm riêng của các DN như Phú An Sinh, CP, Vissan, Sagrifood… Trong đó, Vissan đang dẫn đầu với 87 cửa hàng.
Không kém cạnh DN trong nước, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng đánh dấu bước ngoặt tại thị trường VN. Shop & Go dẫn đầu hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi với gần 70 cửa hàng. Kế đến Circle K với gần 30 cửa hàng và Family Mart 8 cửa hàng.
Gần đây, Guardian - thương hiệu uy tín quốc tế trong lĩnh vực bán lẻ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cũng đã có mặt tại VN, trở thành “đối thủ” cạnh tranh trực diện với MediaCare. Một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản là Ministop thuộc Tập đoàn Aeon đã thỏa thuận thành lập công ty liên doanh với chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 Mart của Tập đoàn Trung Nguyên.
Ở phía Bắc, Tập đoàn Itochu, một trong các cổ đông chiến lược của FamilyMart (Nhật Bản), đã ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Phú Thái trong lĩnh vực phân phối thực phẩm tại VN. Theo kế hoạch, đến năm 2015, hai bên sẽ mở khoảng 300 cửa hàng FamilyMart tại VN.
Phân khúc nhiều tiềm năng
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, so với siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã và đang phát huy được nhiều lợi thế như không cần diện tích lớn, không tốn nhiều chi phí đầu tư, có thể đi sâu vào các khu dân cư và so với hệ thống các cửa hàng tạp hóa thì mô hình này văn minh và hàng hóa đa dạng, phong phú hơn… nên dễ thu hút người tiêu dùng.
Cũng theo ông Nhân, so với siêu thị, doanh thu tại chuỗi cửa hàng Co.op Food liên tục đạt mức tăng trưởng 100%. Đây cũng là thương hiệu đầu tiên phát triển mạng lưới cửa hàng an toàn tiện lợi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với chuỗi 6 cửa hàng (trong tổng số 44 cửa hàng). Năm 2012, Saigon Co.op sẽ đầu tư tại KCN, KCX đều có ít nhất 1 cửa hàng và đến năm 2015 sẽ đạt mốc 150 cửa hàng.
Tại VN, loại hình cửa hàng tiện lợi cũng tạm chia thành 2 loại gồm: cửa hàng chuyên kinh doanh về thực phẩm và chuyên về hàng tiêu dùng nhanh. Ở loại hình thứ nhất, ưu thế đang thuộc về các DN trong nước. Tuy không nói ra nhưng chủ các chuỗi cửa hàng của Co.op Food, Vissan và SatraFoods… đang có tham vọng sẽ đầu tư, phát triển cửa hàng này thành những chợ thu nhỏ. Ở đó người tiêu dùng có thể chọn mua được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Thản, Trưởng phòng Thực phẩm tươi sống Công ty Vissan, tin tưởng, nếu DN kiên trì theo đuổi được mục tiêu (chất lượng - an toàn - tiện lợi), phát triển nhanh các điểm bán đồng thời nâng cao tay nghề cũng như cung cách phục vụ thì Vissan sẽ thành công. Điều này các DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa thể làm được. Trong khi đó, đại diện Satra khẳng định sẽ tập trung xây dựng chuỗi cửa hàng SatraFoods tại TPHCM, đặt nền tảng cho việc phát triển tại các tỉnh, thành của cả nước trong thời gian tới.
Từ thực tế kinh doanh, ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng, cái khó trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại VN là đại đa số người tiêu dùng chưa có thói quen phải trả giá cao cho yếu tố tiện lợi. Nếu sản phẩm bán giá cao hơn các siêu thị, chắc chắn sẽ không được người tiêu dùng ủng hộ. Kinh doanh cửa hàng tiện lợi không như siêu thị, đòi hỏi DN phải có khả năng cung ứng hàng hóa cao, châm hàng nhiều lần trong ngày, do vậy hệ thống logictics phải được đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, cản ngại lớn nhất trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi của DN là rất khó tìm mặt bằng. Giá thuê mặt bằng cho dù có giảm so với trước nhưng không rẻ, cộng với thời gian cho thuê rất ngắn. Ở các huyện ngoại thành, muốn mở cửa hàng, ngoài việc phải trả tiền mặt bằng thì DN còn phải đầu tư hoàn toàn mới 100%, dẫn đến khả năng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao.
| |
Thúy Hải