Đi cùng khúc tráng ca

Quân y viện của chúng tôi nhận được lệnh sơ tán trước đó hơn mười ngày. Cuộc ra đi lần này thấy có vẻ khác lắm, con người và máy móc cấp cứu ngoại khoa được giữ lại hết. Xuống nhà ăn mấy hôm nay xuất hiện một số người lạ, hỏi ra mới biết họ là “Đội phẫu thuật khẩn cấp” tăng cường theo sự điều động của Cục Quân y do BS Dung Dịch phụ trách. Tôi làm chuyên khoa tai mũi họng và mấy BS trẻ chuyên khoa răng hàm mặt, khoa mắt cũng thuộc những người cầm dao kéo là đội “bám trụ”. Tôi còn nhớ lúc đó ở phòng khám bệnh, nữ BS Bích Hiển chủ nhiệm khoa ngoại - sản đã đi sơ tán, nên trên giao cho tôi khám luôn cả ngoại - sản (!), bạn bè tôi thấy vậy chọc: “Ông sướng nha, khám luôn nhiều loại tai mũi họng, coi chừng lộn...”. Ngành y chúng tôi nhiều khi căng thẳng thì tếu táo cho vui.

Đêm 18 tháng 12 năm ấy, một đêm đông đang yên ả bỗng tiếng còi báo động kéo lên, giọng phát thanh viên vang vang: “Đồng bào thủ đô chú ý...”. Tiếng máy bay và tiếng pháo cao xạ bắt đầu. Có điều khác thường là tiếng máy bay lần này không phải “chanh chua, đanh đá” của bọn phản lực, mà là tiếng gầm gừ, ầm ì, nặng trình trịch, giống như tiếng gầm rú của những con quái vật già nua độc ác trong phim giả tưởng hù dọa ăn thịt người. Rồi tiếng bom cũng khác thường, hàng loạt rầm rầm kéo dài rung chuyển nối tiếp nhau, chốc chốc một chiếc phản lực rẹt qua, chúng tôi đoán đó là tiếng MIC của ta. Anh em chúng tôi nhiều người đã từng phục vụ chiến trường ra nên “chẩn đoán” ngay: “chúng nó dùng B52 đã vào Hà Nội rồi!”. Máu trong người chúng tôi muốn sôi lên. Bầu trời như bị nung đỏ, xé toang. Chừng mấy chục phút sau, trước cửa bệnh viện bắt đầu xuất hiện tiếng còi hụ của xe cấp cứu, rồi cả những chiếc tải, thậm chí cả xe xích lô chạy vào, cổng viện không đóng lại nữa. Tại sảnh của tôi, gần mười thương binh, cả nam lẫn nữ, áo quần bê bết máu. Công việc tiếp nhận, phân loại, sơ cứu rất nhanh.

Gần sáng đêm thứ nhất của trận đánh, một đợt thương binh nhập viện nữa, có một thương binh nữ khá nặng có mảnh vải đỏ trước ngực, tôi cúi xuống cầm cổ tay mạch thì chợt nhận ra chị. Chị là Kiều An, một nữ sĩ quan thông tin. Mới tuần trước đây thôi chị đến khám phòng của tôi. Khi bước vào phòng, chị nhìn thấy tôi ngồi đeo đèn clave khám tai mũi họng, bên cạnh lại đặt thêm một cái giường khám phụ sản, sau một lúc ái ngại chị xin lại giấy ở bàn hành chính rồi đi ra. Qua khung kính cửa sổ thấy chị cứ đi ra rồi đi vào, nửa muốn khám, nửa muốn về, tôi hỏi Ninh y tá hành chính:

- Chị ấy sao vậy?

- Giấy giới thiệu của cơ quan “u trực tràng”, hôm trước BS Bích Hiển đã khám và hẹn hôm nay kiểm tra lại.

- Vậy anh gọi chị ấy quay lại đi, bệnh nhân cần khám đấy.

Ninh dẫn chị ta vào, tôi tiếp chị rất nghiêm túc, xem ý kiến khám lần trước và kết quả thử máu và sinh thiết, giải thích chu đáo, cuối cùng chị đồng ý khám. Tôi bỏ đèn clave, đeo găng tay, kết quả là chị bị polype trực tràng, chứ không phải u ác tính. Tôi nhận chị vào viện nhưng chị phải lên mổ tại khu sơ tán Hòa Bình. Chị chưa kịp đi thì cuộc tập kích bằng B52 xảy ra, chị bị thương, vết thương hỗn hợp xuyên hàm dưới và sập thành xoang hàm phải và gãy tay và xương vai trái, mất máu nhiều, choáng nặng, sống chết mong manh...

Một buổi sáng mùa đông năm 1986 trên con tàu cao tốc từ Paris (Pháp) tới Amsterdam (Hà Lan), khi đến ga Brussel (Bỉ), có 2 người phụ nữ tóc đen lên tàu, rồi ngồi xuống ghế đối diện, cởi chiếc khăn trùm đầu và nói chuyện bằng tiếng Việt, hồi đó người Việt ở xứ Tây Âu này rất hiếm. Tôi nhìn sang và thật ngạc nhiên nhận ra một khuôn mặt quen quen, đúng rồi chị Kiều An. Tôi hỏi:

- Chị Kiều An phải không? - một chút ngạc nhiên rồi chị kêu lên:

- Trời đất ơi, bác sĩ Hoàng, bác sĩ đi đâu thế này!

(Thực ra năm 1972 tôi là quân y sĩ, nhưng bệnh nhân cứ thấy mặc áo trắng khám bệnh là gọi bác sĩ thôi, nhưng quân y sĩ lúc bấy giờ đã đứng mổ nhiều lắm rồi).

- Tôi đang làm đề tài ở Hà Lan chị ạ, còn chị?

Rồi chị quay sang người bạn giới thiệu về tôi, chị nói tiếp.

- Chúng tôi đang là nghiên cứu sinh tại Bỉ, hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần hai chị em nhảy tàu sang Hà Lan có việc bác sĩ ạ. Câu chuyện trên đường còn dài xen lẫn sự vui mừng, cảm động, có lúc đôi mắt chị đỏ hoe khi nhắc đến đồng đội đã hy sinh. Một cuộc gặp gỡ đặc biệt. Chị kể rằng sau lần chị bị thương ấy chị được Quân y viện mổ đến hai lần còn lần thứ ba chị được gởi sang Mátxcơva khắc phục dây âm thanh của thanh quản, hiện tại giọng nói vẫn có chỗ chưa tròn. Chúng tôi chia tay nhau tại Amsterdam, tôi đi tiếp về Wagningen còn mấy chục cây số nữa.

Vết thương của Kiều An đã ổn, cũng như vết thương của chiến tranh trên mình Tổ quốc tôi cũng đã lành và đang thay da đổi thịt từng ngày nhưng vẫn còn đây, mãi mãi còn đây khúc tráng ca bất tử của Hà Nội mười hai ngày đêm... 

HOÀNG THẠCH

Tin cùng chuyên mục