Thủy điện Tuyên Quang

Di dân lòng hồ - chạy nước rút

Mục tiêu năm 2007 bắt đầu phát điện tổ máy số 1 của Dự án thủy điện Tuyên Quang đang bị đe dọa bởi những vướng mắc trong việc di dân ra khỏi vùng lòng hồ. Cuối cùng thì Tuyên Quang cũng đặt quyết tâm hoàn thành việc di dân trong tháng 10 năm 2006. Nhưng khó khăn chưa hết, nên đến đầu tháng 11 này vẫn còn 288 hộ với hơn 1.520 người chưa được di dời.
Di dân lòng hồ - chạy nước rút

Mục tiêu năm 2007 bắt đầu phát điện tổ máy số 1 của Dự án thủy điện Tuyên Quang đang bị đe dọa bởi những vướng mắc trong việc di dân ra khỏi vùng lòng hồ. Cuối cùng thì Tuyên Quang cũng đặt quyết tâm hoàn thành việc di dân trong tháng 10 năm 2006. Nhưng khó khăn chưa hết, nên đến đầu tháng 11 này vẫn còn 288 hộ với hơn 1.520 người chưa được di dời.

  • Nỗ lực tái định cư
Di dân lòng hồ - chạy nước rút ảnh 1

Công trình thủy điện Tuyên Quang đang được khẩn trương xây dựng.

Trong chuyến thăm và làm việc giữa tháng 9-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những cố gắng của Tuyên Quang trong việc di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ của công trình Thủy điện Tuyên Quang. Đảm bảo cho hơn 4.000 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ được tái định cư (TĐC) là một công việc không hề đơn giản. Nhất là trong quá trình thực hiện lại luôn có những phát sinh mới.

Việc tăng đáng kể số dân phải di dời (tăng 1.206 hộ với 4.375 người) đã làm cho định mức đầu tư di dân TĐC được duyệt ban đầu khó đảm bảo cho tỉnh triển khai xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục cơ bản như trường học, trạm y tế, giao thông, thủy lợi…

Tuy vậy, khó khăn đã được tỉnh quan tâm tháo gỡ. Đa số dân nằm trong vùng lòng hồ đồng tình với chủ trương di dời, chủ động trong việc di chuyển đến nơi ở mới. Tại khu TĐC Sơn Thủy, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa), phó thôn Phạm Văn Ninh cho biết: 50 hộ đồng bào dân tộc Dao chuyển từ xã Xuân Tiến về, mỗi hộ được nhận 120m2 đất ở và mỗi nhân khẩu được cấp 400m2 ruộng làm nông nghiệp.

Cũng từ khi có khu TĐC, thôn Sơn Thủy đã có điện, nước sạch. Để giúp dân nhanh chóng ổn định đời sống, cán bộ khuyến nông xuống tận từng gia đình dạy bà con thâm canh cây lúa, ngô lai, dạy cách thả cá, nuôi lợn và chăn trâu, bò, dê...

Năm học mới 2006 - 2007, Chiêm Hóa cũng đã tiếp nhận gần 1.500 học sinh từ vùng lòng hồ về học tập ở các trường trong huyện. Ở các khu TĐC khác của các huyện Yên Sơn, Hàm Yên và Nà Hang, các đoàn thể như Đoàn thanh niên thành lập nhiều tổ công tác phối hợp với cán bộ, bộ đội địa phương giúp các hộ vùng lòng hồ thủy điện tháo dỡ nhà và di chuyển nhà cửa, tài sản đến các điểm TĐC mới.

  • Khó khăn chưa hết

Một trong những lý do chính của việc không thực hiện được việc hoàn tất di dời dân là do hạ tầng chưa hoàn thiện và giao thông khó khăn của khu TĐC. Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Ban di dân TĐC huyện Hàm Yên, cho biết: Theo kế hoạch, huyện phải tiếp nhận hơn 400 hộ dân, nhưng đến nay vẫn còn 36 hộ nữa chưa thể di chuyển đến nhận mặt bằng định cư; bởi vì các điểm TĐC Thuốc Hạ 1, Thuốc Hạ 2 và Mỏ Nghiền chưa có điện, nước sinh hoạt và hệ thống thoát nước.

Còn ở Chiêm Hóa, việc chuẩn bị cho khu TĐC đã khá hoàn tất, chỉ còn thiếu đường điện sinh hoạt, nhưng Nà Hang lại gặp khó khăn về giao thông nên đến nay các hộ dân vẫn chưa thể đến nhận mặt bằng. Hai đường tránh ngập bờ trái và bờ phải hồ thủy điện chưa hoàn thành, khi gặp mưa thường xảy ra sạt lở đất vừa gây nguy hiểm đến tính mạng người dân vừa làm ách tắc giao thông.

Hơn nữa, nước hồ ngày một dâng cao đã làm ngập hầu hết các xã khu B, khu C của vùng lòng hồ như xã Trùng Khánh, Xuân Tân, Xuân Tiến, Thúy Loa và Vĩnh Yên, gây cản trở giao thông. Do vậy, việc đi lại giữa các xã này với bên ngoài hoàn toàn bằng đường thủy. Hạt quản lý giao thông huyện Nà Hang đã phải sử dụng đến các phương tiện như phà, thuyền máy di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ.

Mặc dù mục tiêu đặt ra là hết tháng 10 phải hoàn tất việc di dời, đến đầu tháng 11 này, 3.700 hộ với khoảng 18.500 người đã đến nơi ở mới. Như vậy vẫn còn 288 hộ với 1.520 người ở lại. Theo ông Phạm Ngọc Cường, Trưởng Ban di dân TĐC tỉnh Tuyên Quang, việc khó khăn nhất hiện nay là vận động các hộ dân sinh sống ở độ cao trên cốt nước 120 mét đến nơi ở mới, vì họ ở cao hơn so với cao trình nước hồ nên vẫn chủ quan không muốn di chuyển. Một mặt phải gấp rút xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư, một mặt phải vận động những hộ dân cuối cùng di chuyển, thời gian lại không còn nhiều, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân Tuyên Quang những ngày cuối năm này.

VŨ VĂN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục