Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm vẫn chậm

Chiều 10-7, Bộ Tài chính thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2025.

Về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, gần bằng 68% dự toán năm và tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 33% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt gần 25.000 tỷ đồng, giảm gần 17% so cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 149.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ.

Về chi NSNN, chi NSNN 6 tháng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 43% dự toán, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt hơn 268.000 tỷ đồng; chi trả nợ lãi ước đạt gần 56.000 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt 776.000 tỷ đồng…

Về cân đối NSNN, việc cân đối giữa ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 30-6-2025, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành hơn 201.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 9,8 năm, lãi suất bình quân là 2,9%/năm.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ Tài chính, quá trình giải ngân cho đầu tư công trong 6 tháng đầu năm vẫn chậm. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 6-2025 chỉ đạt hơn 268.000 tỷ đồng, chỉ đạt gần 33% kế hoạch Chính phủ giao.

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025, giao dự toán, kế hoạch đầu tư công từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra.

Về công tác quản lý giá cả và thị trường, công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các hàng hóa, dịch vụ trong danh mục nhà nước định giá cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát đang ở mức vừa phải và kiểm soát được.

Về quản lý tài sản công, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều nghị định liên quan quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc đẩy mạnh rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích,

Đồng thời, hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Tin cùng chuyên mục