Bỏ room tín dụng: Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong cung ứng vốn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm nghiên cứu bãi bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng (room tín dụng), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang triển khai lộ trình theo hướng phù hợp hơn với diễn biến thị trường và thông lệ quốc tế. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng nhờ đó sẽ có cơ hội tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Chuyển sang cơ chế thị trường

Nhiều năm qua, room tín dụng được NHNN sử dụng như “chiếc van” điều tiết dòng chảy vốn để kiểm soát tốc độ bơm tiền vào nền kinh tế nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cơ chế này gần như hoàn thành sứ mệnh và đã bộc lộ nhiều bất cập.

J5A.jpg
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: Minh Huy

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, room tín dụng chỉ nên được xem là công cụ hành chính mang tính tạm thời. Việc duy trì quá lâu sẽ làm sai lệch dòng chảy tín dụng, làm giảm tính thị trường và kìm hãm động lực cạnh tranh giữa các ngân hàng. Đồng tình vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc giới hạn room tín dụng sẽ làm suy yếu động lực cải cách nội tại. Vì, khi ngân hàng chỉ cần “xin” room, thay vì phải cải thiện năng lực quản trị rủi ro để tăng trưởng bền vững, thì chính sách này vô hình trung đã triệt tiêu động lực nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá việc bỏ room tín dụng là bước đi cần thiết, thể hiện sự chuyển đổi trong điều hành chính sách tiền tệ từ hành chính sang thị trường, minh bạch và hiện đại hơn. Cải cách này sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung ứng vốn, buộc những ngân hàng yếu kém phải tự đổi mới để tồn tại. Đối với doanh nghiệp và người dân, việc này góp phần giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn nguồn vốn bất ngờ, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế.

Về phía ngân hàng thương mại (NHTM), ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank cũng cho rằng: “NHNN đang sửa đổi một số quy định để các NHTM tiệm cận tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế như Basel III, buộc các NHTM phải tăng vốn tương ứng nếu muốn tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng sẵn sàng tuân thủ quy định mới”. Ông Trần Hoài Phương, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cũng chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế cần bứt phá, cần nhiều vốn để đầu tư và tiêu dùng thì tín dụng phải tăng mạnh hơn. Việc bỏ room tín dụng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, giúp ngân hàng chủ động hơn và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.

Đồng bộ các yếu tố

Về “lịch sử” room tín dụng, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết cơ chế room tín dụng đã được áp dụng từ năm 2012 nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng “nóng”. Trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng có năm vượt 54%. Điều này dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản, buộc NHNN phải áp dụng các biện pháp hành chính nhằm xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, từ đó ngăn ngừa rủi ro nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

Việc loại bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật của chính sách tiền tệ mà còn là bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế tài chính - ngân hàng; giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh hệ thống tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài và củng cố uy tín quốc gia. Tuy nhiên, nền tảng để thay thế room tín dụng hiệu quả là cần có hệ thống giám sát thông minh, liên thông dữ liệu và cảnh báo sớm rủi ro.

Gần đây, NHNN đã bắt đầu điều chỉnh cơ chế cấp tín dụng theo hướng phù hợp hơn với diễn biến thị trường và thông lệ quốc tế. Từ đầu năm 2024, NHNN đã chuyển sang giao chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng có kiểm soát. Từ đầu năm nay, chỉ tiêu tín dụng đã được gỡ bỏ hoàn toàn đối với ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính phi ngân hàng; hiện chỉ còn áp dụng với các NHTM trong nước. “Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách để báo cáo Chính phủ về lộ trình tiến tới bỏ hoàn toàn room tín dụng. NHNN sẽ có chính sách điều hành tổng thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, kiểm soát hiệu quả lạm phát và duy trì an ninh kinh tế”, ông Phạm Chí Quang nói.

Các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF, khuyến nghị trong trường hợp bỏ room tín dụng, NHNN phải có tính chủ động cao hơn trong điều hành lãi suất. Việc thay đổi cần đảm bảo đồng bộ các yếu tố như khung pháp lý, năng lực giám sát, chuẩn mực an toàn tài chính và sự phát triển của các kênh dẫn vốn thay thế. TS Cấn Văn Lực- chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cũng cho rằng, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua hệ số CAR, ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu thì phải tăng vốn chủ sở hữu bấy nhiêu.

Tin cùng chuyên mục