Đi giữa màu xanh rừng bán ngập

Là vùng đất thấp cuối dãy Trường Sơn, Bình Phước từng là nơi có những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn. Vậy nhưng, chỉ trong vài chục năm, do nhu cầu mưu sinh mà rừng ngày càng bị thu hẹp để thế chỗ cho cây công nghiệp, thủy điện… Giờ đây, những chiến sĩ kiểm lâm đang dành công sức gầy lại màu xanh của rừng.

Mênh mông rừng gáo

Chiếc ca nô cao tốc của Chốt Kiểm lâm đường sông (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp) đưa chúng tôi lượn một vòng trên mặt hồ thủy điện Cần Đơn. Anh Nguyễn Văn May, nhân viên kiểm lâm, đưa tay chỉ về phía xa xa: “Các anh thấy đấy, ở rìa các khu rừng là cây gáo nước trồng từ năm 2015, phía trong là cây gỗ trồng trước đó vài năm”.

Rừng gáo nước bên hồ thủy điện Cần Đơn
Theo hướng tay anh May chỉ, chúng tôi thu trọn vào tầm mắt màu xanh non của những rừng cây gáo nước trải dài đến tận biên giới với Vương quốc Campuchia, mang đến cảm giác gần gũi, thư thái, dù đang là cao điểm mùa khô với mức cháy rừng đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Chính màu xanh non bao phủ khắp vùng lòng hồ ấy đã làm cho cái nắng trời chiều chói chang ở vùng biên giới dịu bớt đi rất nhiều.

Ca nô tấp vào một khoảnh rừng, anh May chỉ tay vào gốc cây gáo cho chúng tôi thấy mức ngấn nước ngập của mùa mưa trước còn đọng lại trên cây, có chiều cao khoảng 1,4m. Với mức ngập này thì cây gáo vẫn “vô tư” sống khỏe trong thời gian 2 - 3 tháng, “thậm chí ngập lút ngọn vẫn không chết”, anh May khẳng định. Chúng tôi ước tính chiều cao của các cây gáo nước hơn 4 năm tuổi này khoảng 4m - 5m, đường kính cây 15cm - 20cm; với tốc độ sinh trưởng tốt như thế này, khoảng 4 - 5 năm nữa thì cả khu vực lòng hồ bán ngập này sẽ được phủ màu xanh của cây gáo, góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường cho cả vùng lòng hồ rộng hơn 19km².

Tái tạo màu xanh cho rừng phòng hộ

Trở về Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp, chúng tôi được Hạt trưởng Hoàng Ngọc Phong cung cấp thêm nhiều thông tin về quá trình trồng rừng bán ngập. Từ khoảng năm 2012, các kiểm lâm viên bắt đầu trồng thử nghiệm một loạt cây, gồm cả gáo nước, tràm nước (có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây Nam bộ), sao, dầu, gõ đỏ. Sau một thời gian “bầm giập”, có cây sống, cây chết, trồng đi trồng lại, nhân viên kiểm lâm nhận thấy cây gáo nước thích hợp hơn nên từ năm 2015 đã tập trung phát triển đại trà loại cây này. Đến nay, tổng diện tích cây gáo nước do Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp trồng được là 107,54ha, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

Nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Bù đốp kiểm tra chống cháy rừng mùa khô ở rừng trồng bán ngập
Mỗi hécta cây gáo nước (trồng, chăm sóc trong thời gian 5 năm) được Nhà nước đầu tư trọn gói 84 triệu đồng, đã tạo ra việc làm cho đồng bào dân tộc S’tiêng ở 2 sóc của xã Thiện Hưng và Phước Thiện, giảm hẳn việc tác động tiêu cực đến rừng. Những khoảnh rừng gáo nước này giúp cải thiện môi trường, chống xói mòn, chống rửa trôi đất bề mặt mỗi khi những cơn mưa đầu mùa đến. Ông Phong hồ hởi kể: “Khoảng trước năm 2007, còn xảy ra tình trạng phá rừng lấy đất làm rẫy theo tập quán sống du canh du cư. Khi tỉnh Bình Phước thực hiện nghiêm việc thu hồi diện tích rừng bị phá trước đó, đặc biệt là từ khi có chương trình trồng rừng bán ngập, thì tình trạng phá rừng không còn nữa. Một số người trước đây hay tham gia phá rừng, nay đã nhận khoán trồng, chăm sóc rừng gáo nước”.


Chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình trồng rừng bán ngập, tái tạo màu xanh cho vùng lòng hồ thủy điện Cần Đơn của tỉnh Bình Phước đã được nhiều đoàn của Trung ương, Bộ NN-PTNT và các tỉnh bạn đánh giá cao; nhiều đoàn công tác ở một số địa phương đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Riêng tại Bình Phước, tỉnh đã nhân rộng mô hình ra trồng ở vùng lòng hồ thủy điện thác Mơ rộng lớn - nơi giáp với các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Ngoài diện tích rừng trồng của Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn cũng cùng lúc triển khai dự án trồng rừng thay thế trên diện tích đất bán ngập hồ Cần Đơn với tổng diện tích 154ha, cũng với cây gáo nước. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng của Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn do quản lý không chặt chẽ và chăm sóc kém, nên phần thì bị người dân lấn chiếm trồng cao su, phần thì tỷ lệ sống thấp - chỉ đạt 20%, số cây còn sống cũng sinh trưởng kém. 

So với diện tích rừng nguyên sinh bạt ngàn trước kia của tỉnh Bình Phước, diện tích rừng bán ngập được gầy dựng lại nói trên chẳng thấm vào đâu. Hiện tại, trừ Vườn quốc gia Bù Gia Mập, trong số các địa phương của tỉnh Bình Phước, bây giờ chỉ còn mỗi huyện Bù Đốp là còn rừng tự nhiên, với 300ha rừng khộp đặc trưng của vùng Đông Nam bộ ở xã Phước Thiện và 6.100ha rừng hỗn giao, tái sinh.

Hình thành tuyến du lịch đường sông vùng lòng hồ

Từ việc xác định rõ lợi ích của rừng trồng bán ngập với chức năng rừng phòng hộ xung yếu, tỉnh Bình Phước đã quy hoạch trồng thêm khoảng 1.375ha rừng bán ngập từ nay đến năm 2025. Trong đó, trồng bằng cây gáo nước là 1.326ha (hồ thác Mơ 1.235ha, hồ Cần Đơn 91ha) và cây tràm là 49ha tại hồ Phước Hòa.
Nhờ màu xanh mới tái tạo của rừng gáo nước mà tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn, Thác Mơ đã bắt đầu hình thành các dịch vụ tham quan, du lịch trên mặt hồ. Qua đó, cải thiện và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Tại chốt bảo vệ đường sông, có dịch vụ đưa khách bằng thuyền hay ca nô cao tốc tham quan mặt hồ, tham quan rừng, sau đó trở về chòi bên hồ thưởng thức những món ăn đặc sản là các loài cá sinh trưởng tự nhiên trong lòng hồ.
Do lòng hồ này thông với 2 nhánh sông, sông Bé (thủy điện thác Mơ đổ về) và sông Đắk Quýt (từ Campuchia về), các doanh nghiệp du lịch có thể nghĩ đến việc xây dựng những tour liên tuyến đường sông - đường bộ từ Campuchia về Bình Phước trong mùa nước nổi, để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch địa phương.

Tin cùng chuyên mục