
Thời gian qua, mặc dù tòa án các cấp đã có nhiều cố gắng để giải quyết dứt điểm số lượng án tồn đọng quá hạn luật định, vi phạm tố tụng, nhưng vẫn còn nhiều vụ án, nhất là các án dân sự, người dân phải mỏi mòn với hành trình đi kiện và chờ được xét xử. Nhiều trường hợp, người đi kiện bị “hành” te tua vì những rắc rối trong thủ tục hành chính hoặc vì cán bộ quan liêu, không làm việc hết trách nhiệm.
Đùn đẩy!

Tăng cường ứng dụng CNTT, TAND TPHCM đã đưa vào hoạt động 2 kios thông tin lịch xét xử, đơn khởi kiện... tại Tòa hình sự, Tòa dân sự (ảnh).
Vụ kiện của ông Nguyễn Trung Th., ngụ ở đường Ngô Tất Tố, phường 22 - Bình Thạnh khá hy hữu. Chủ thể bị ông tố cáo là Công ty TNXP - chủ đầu tư dự án cầu Văn Thánh 2, đã làm lún nứt nhà ông. Số tiền ông sửa chữa lại nhà gần 100 triệu đồng nhưng ông chỉ nhận được khoảng 3 triệu đồng bồi thường của công ty trên.
Bức xúc, ông kiện ra tòa. Thứ năm, ông đi nộp đơn thì nhận được thông báo tòa chỉ nhận thụ lý đơn kiện vào sáng thứ hai, tư, sáu. Sáng hôm sau ông tiếp tục đem đơn đến, sau khi xem qua, cán bộ tiếp nhận yêu cầu ông phải sửa lại nội dung đơn kiện, ghi cụ thể khoản tiền yêu cầu bồi thường và bổ sung giấy tờ chủ quyền nhà.
Ông lại đem hồ sơ về, đánh máy lại và photo giấy tờ cần thiết, chạy vội lên tòa nộp lại. Cán bộ thụ lý tiếp nhận và đóng dấu lên đơn nhưng sau đó… trả lại vì phát hiện chủ đầu tư (Công ty TNXP) ở quận 5.
Thế là ông lại phải mang đơn chạy qua TAND quận 5. Khi đó ông mới biết Ban Quản lý dự án công trình cầu Văn Thánh đặt tại đường Võ Văn Tần, quận 3. Thế là ông tiếp tục chỉnh sửa đơn và đi nộp lại ở TAND quận 3. “Đến nay, đã hơn 1 năm rồi mà tôi cũng chưa thấy đả động gì”, ông Th. bức xúc phản ánh.
Ngâm!
Quá bức xúc vì cho rằng hàng xóm làm nhà nhưng đục tường nhà mình, ông T.L, ngụ đường Điện Biên Phủ, quận 3 khiếu nại lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Ông cũng cung cấp nhiều chứng cứ nhưng rồi từ phường đến quận không xử lý dứt điểm, khiến ông kiện ra TAND quận 3. Nhưng gần chục lần tòa triệu tập, ông chủ nhà sát vách đều vắng mặt.
Sau nhiều năm ông chờ đợi thì thẩm phán thụ lý đơn kiện của ông… nghỉ hưu. Người thẩm phán mới tiếp nhận đơn kiện của ông L., sau một thời gian theo dõi tiếp tục hoãn phiên tòa để bổ sung hồ sơ! Kết quả, đến nay đã gần 8 năm mà vụ tranh chấp của ông vẫn chưa có hồi kết. Quá nản, ông bán nhà sang quận 9 sinh sống nhưng hàng tuần vẫn phải đều đặn chạy về theo dõi vụ kiện.
Còn bà Lê Thị Kim L., ngụ tại ấp 1, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh thì phản ánh đã “tới lui” TAND huyện Bình Chánh không dưới 8 lần để theo đuổi vụ tranh chấp đất đai của mình. Nguyên nhân, trước kia bà Kim L. được em trai cho một mảnh đất cất nhà ở trên khu đất của ông. Bà Kim L. đã sử dụng ổn định phần đất trên từ năm 1993 đến nay, có kê khai nhà ở, đất ở (năm 1999) đúng với diện tích, đồng thời có thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Theo xác minh của xã Phạm Văn Hai, phần đất của bà L. đầy đủ điều kiện để đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định. Nhưng khi bà Kim L. đi đăng ký quyền sử dụng đất thì bị người chủ mua khu đất (không bao gồm phần đất của bà Kim L. trong đó) làm đơn ngăn chặn.
Bà Kim L. đã làm đơn kiện lên TAND huyện Bình Chánh đề nghị chấm dứt hành vi trái pháp luật giữa bà và người chủ khu đất để bà được làm giấy tờ nhà đất theo đúng quy định. TAND huyện Bình Chánh chuyển hồ sơ qua TAND quận Bình Tân, vì cho rằng chủ khu đất có hộ khẩu tại quận này.
Tuy nhiên, quận Bình Tân từ chối và chuyển lại về huyện. Nản lòng vì bị “hành”, bà làm đơn gửi TAND TP khiếu nại TAND huyện Bình Chánh không thụ lý hồ sơ vụ việc, chuyển qua chuyển lại gây khó khăn cho người dân. Sau khi TAND TP có phiếu chuyển đề nghị TAND huyện Bình Chánh tiếp nhận, giải quyết đơn thì bà đã gần chục lần đi lại và phải làm lại đơn không dưới 3 lần!
Vẫn còn 440 án quá hạn chưa giải quyết
Theo Chánh án TAND TP Bùi Hoàng Danh, trong năm 2007, các loại án đều tăng mạnh về số lượng và tính chất phức tạp, nhất là án dân sự. Chủ yếu là tranh chấp thừa kế về nhà đất, hợp đồng mua bán nhà, mua bán tài sản…
Việc giải quyết các tranh chấp này gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng, đương sự thường xuyên thay đổi yêu cầu hoặc cung cấp chứng cứ không đầy đủ, phải ủy thác xác minh nhiều nơi.
Thậm chí có trường hợp đương sự cố tình không đến tòa theo giấy triệu tập, một số vụ phải chờ kết quả kiểm định của các cơ quan chuyên môn… nên đã kéo dài thời gian giải quyết dẫn đến quá hạn. Đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2007, ở các quận huyện phát sinh tranh chấp mua bán hồ sơ đền bù giải tỏa và mua bán phiếu nhà tái định cư.
Đây lại là loại việc mới phát sinh nên gây khó khăn trong giải quyết. Án kinh doanh thương mại tiếp tục tăng với số lượng cao. Theo quy định, thời gian giải quyết vụ án ngắn nên loại án này thường bị quá hạn và còn tồn nhiều. Trong năm 2007, vẫn còn 440 vụ án quá hạn chưa giải quyết xong.
Hồng Hiệp