Di sản kiến trúc - Hồn cốt đô thị

Khi những tòa nhà, cao ốc hiện đại dần hoàn thiện và đi vào hoạt động không ít người bắt đầu luyến tiếc trước những mảng tường ngả vàng, ngày càng xuống cấp. Chúng ta hoài niệm - không hẳn là chuyện “no cơm ấm áo lại thèm nọ kia” - bởi những di sản kiến trúc không chỉ gắn liền với vẻ đẹp thiết kế, xây dựng mà còn gắn liền với từng giai đoạn lịch sử.
Bưu điện Thành phố (129 năm tuổi), một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng ở TPHCM chưa được công nhận di tích. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bưu điện Thành phố (129 năm tuổi), một trong những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng ở TPHCM chưa được công nhận di tích. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Kiến trúc cổ bị bỏ quên

Trong khuôn viên Bảo tàng TPHCM, tôi từng bắt gặp khá nhiều nhóm bạn trẻ đến chụp ảnh vì không gian này lên hình đẹp, nét cổ điển pha lẫn sang trọng, từ balcon, cửa sổ đến cửa chính đều có những góc cạnh để cho ra một tấm ảnh đẹp. Nhiều bạn trẻ “ngoại đạo” với lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc nhưng vẫn thích thú thiết kế của tòa nhà. “Nếu bảo tàng có thay đổi thì hãy giữ thiết kế này, tụi em thích những nơi này hơn là cao ốc hay trung tâm thương mại. Những nơi đó cao tầng, hiện đại nhưng kiểu cách kiến trúc độc đáo để gây ấn tượng mạnh thì không”, Trần Hoài Phương Trân (19 tuổi, sinh viên, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ.

Không chỉ bảo tàng, các công trình kiến trúc nhà cổ dân dụng cũng không khá hơn. Nhà cụ Vương Hồng Sển (Vân Đường phủ, 11 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh), căn nhà gỗ hơn 100 tuổi với 5 gian 2 chái đã xuống cấp trầm trọng, mái ngói nhiều chỗ hư nặng, nền nhà ẩm thấp… Trước khi mất, học giả Vương Hồng Sển có di chúc hiến tặng Vân Đường phủ, bộ sưu tập đồ cổ của ông cho Nhà nước. Năm 2003, UBND TPHCM đã xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng cấp thành phố đối với Vân Đường phủ, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm cụ mất, phía gia đình vẫn còn tranh chấp, chờ tòa án giải quyết về mặt pháp lý nên chưa thể thống nhất được phương án đền bù, tôn tạo và hiện căn nhà cổ xuống cấp ngày một nặng.

Một nuối tiếc khác là đình Nam Tiến (quận 4) chỉ còn là một bãi đất trống. Hiện phía quận 4 đã có đề xuất phía Sở VH-TT TPHCM thành lập hội đồng thẩm định các giá trị hiện vật của đình, làm cơ sở trình UBND TPHCM xem xét công nhận di tích lịch sử. 

TS Bùi Bá Nguyên Khanh (giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) bày tỏ tiếc nuối khi chứng kiến một biệt thự cổ trên đường Nơ Trang Long bị phá bỏ: “Vài lần đi ngang qua nhìn kiến trúc biệt thự rất ấn tượng. Biệt thự đó có thể thuộc sở hữu cá nhân và chủ nhà muốn thay đổi, nhưng ở góc độ kiến trúc, nhìn kiến trúc cổ mất đi, tôi cũng thấy tiếc. Đối với những công trình kiến trúc cổ lớn trong thành phố thì càng cần được bảo tồn và tôn tạo. Đây là những công trình độc đáo và đặc biệt mà tôi vẫn hay gọi là các kiến trúc độc và đặc, bởi những công trình này còn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, biểu trưng theo từng giai đoạn phát triển của thành phố”. 

Bưu điện Thành phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bảo tồn đi cùng phát triển

Năm 1996, UBND TPHCM đã có quyết định về danh mục “Những cảnh quan kiến trúc cần nghiên cứu và bảo tồn”. Tuy nhiên, đến nay ngoài những kiến trúc cổ được công nhận là di tích đưa vào bảo tồn và tôn tạo, nhiều nơi vẫn chưa được công nhận và cũng không ít kiến trúc cổ bị xuống cấp, thậm chí mất đi hoàn toàn dấu vết cũ.

Chuyện được công nhận và xếp hạng di tích hay không có lẽ không phải là vấn đề quan trọng, bởi thực tế cho thấy, nhiều kiến trúc cổ được công nhận di tích hoặc thậm chí thuộc quản lý cấp thành phố nhưng công tác bảo tồn, trùng tu không tốt, xuống cấp nhìn thấy rõ. Đây là lý do mà ít nhiều đơn vị quản lý, sở hữu các công trình kiến trúc cổ hiện nay ái ngại trong việc làm hồ sơ để công nhận di tích. Họ lo sau khi được công nhận di tích, đơn vị quản lý, sở hữu sẽ không còn “quyền” với công trình, cộng thêm việc muốn trùng tu, tôn tạo di tích phải có giấy phép và thống nhất quyết định chọn đội ngũ… mất thời gian và tiền bạc, nên vẫn còn nhiều công trình kiến trúc cổ nổi tiếng trong thành phố chưa được công nhận di tích. Trong khi những kiến trúc này còn là hồn cốt đô thị, hàng trăm tuổi đời… 

Để giải được bài toán bảo tồn và hài hòa phát triển di sản kiến trúc trong nhịp phát triển hiện đại không dễ, đòi hỏi có sự vào cuộc của nhiều đơn vị liên quan. “Với những công trình kiến trúc, khi nghiên cứu và đưa vào bảo tồn, có thể lên phương án bảo tồn một phần nhưng phát huy được giá trị thì tốt hơn là bảo tồn toàn vẹn nhưng lại không hiệu quả. Như nhà ngục Hỏa Lò ở Hà Nội, người ta bảo tồn một phần nhưng rất hiệu quả và thu hút khách. Giá trị của việc bảo tồn chính là bảo tồn đi cùng với nhịp phát triển của thành phố. Nếu khoanh vùng bảo tồn rồi cuối cùng phải đóng cửa để đó vì không thu hút khách tham quan thì việc bảo tồn cũng không còn giá trị”, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TPHCM, bày tỏ.

Hiện khá nhiều di tích ở TPHCM bị xâm phạm, tuy nhiên việc xử phạt vẫn còn bỏ ngỏ. Từng đứng đơn kiện một đơn vị xâm phạm di tích, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi, bà Lê Tú Cẩm bày tỏ: “Chúng ta có Luật Di sản nhưng tôi chưa thấy phiên tòa nào áp dụng luật này để xử người làm sai, nên rất nhiều di sản cứ dần mất đi. Và chúng ta cũng cần có quy định khen thưởng những chủ sở hữu, quản lý di sản làm tốt, có như vậy mới tạo động lực để người ta hết mình trong công tác bảo tồn”.

TS Bùi Bá Nguyên Khanh chia sẻ thêm: “Đội ngũ kiến trúc sư, chuyên gia ở TPHCM thừa sức trùng tu, tôn tạo những công trình kiến trúc cổ. Nhưng trước hết, chúng ta phải có thống kê cụ thể công trình nào đưa vào bảo tồn, hạng mục nào cần trùng tu, tôn tạo và đội ngũ thực hiện. Từ đó sẽ đưa ra phương pháp thích hợp cho từng công trình, hạn chế chuyện xuống cấp trầm trọng của các công trình kiến trúc cổ hiện nay”.

KIM LOAN

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM, khi quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sáp nhập thành TP Thủ Đức, một trong những vấn đề cần lưu ý chính là công tác bảo tồn di sản. Trên địa bàn thành phố mới Thủ Đức, cùng với các di tích khảo cổ học hàng ngàn năm tuổi còn có hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ có giá trị kiến trúc, hơn 50 ngôi đình và nhiều di tích kiến trúc cổ xưa... Quá trình quy hoạch và phát triển thành phố mới sẽ tác động không nhỏ đến hệ thống di sản văn hóa. Từ bài học “giải tỏa trắng” của Thủ Thiêm, việc khảo sát, đánh giá và lập dự án bảo vệ, bảo tồn hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của TP Thủ Đức cần được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và khoa học. Kết quả này là cơ sở để “phát triển” đồng thời với “bảo tồn” di tích lịch sử văn hóa.

QUỲNH YÊN ghi

Tin cùng chuyên mục