Di sản Lula da Silva

Tổng thống cánh tả Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sau 8 năm tại chức sắp chuyển giao quyền lực cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 vào ngày 31-10 tới. Những gì ông thực hiện được trong suốt thời gian cầm quyền đáng tự hào đến mức cho tới nay, tỷ lệ người ủng hộ ông vẫn ở mức trên 80%, một tỷ lệ hiếm có đối với chính khách sắp rời chính trường.

Thành quả nổi bật nhất của Tổng thống Lula da Silva là đã đưa 30 triệu người dân nước này thoát khỏi tình trạng đói nghèo và duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức 7,5%/năm, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tháng 5 vừa qua, Chương trình Lương thực Liên hiệp quốc vinh danh ông Lula da Silva là nhà “vô địch thế giới về xóa đói giảm nghèo” cho một phần nhân loại.

Nhiều tờ báo nước ngoài đều có chung nhận định: ông Lula da Silva có công đưa Brazil trở thành nền kinh tế tư bản năng động với tinh thần nhân đạo, trong đó thu nhập đầu người gia tăng đáng kể (gấp 12 lần Ấn Độ, Trung Quốc), xóa bỏ tình trạng thiếu đói hàng ngày... Xuất khẩu của Brazil đang bùng nổ tạo nên thặng dư mậu dịch lớn hơn cả Trung Quốc với những loại hàng hóa xuất đi từ đậu nành đến máy bay, từ khoáng sản cho đến máy vi tính.

Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Lula da Silva lên cầm quyền trong bối cảnh thuận lợi, khi Tổng thống tiền nhiệm Fernando Henrique Cardoso đã tạo được những nền tảng căn bản cho nền kinh tế, trong đó có các chính sách ổn định tiền tệ. Thế nhưng, đó chỉ là một tiền đề. Năm 2002, khi vừa đắc cử, từng là cậu bé đánh giày, nhà lãnh đạo công đoàn Lula da Silva đã coi mục tiêu xóa đói giảm nghèo là ưu tiên số 1. Hàng loạt chương trình được đưa ra như chương trình Bolsa Familia trợ cấp các gia đình có thu nhập thấp, chương trình Fome Zero, tức là không có người đói.

 Tổng thống Lula da Silva còn hỗ trợ các nông dân nghèo, tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, bơm thêm sức mua cho những thành phần cần được giúp đỡ. Kết quả của chính sách xã hội này đã giúp 40 triệu dân Brazil gia tăng thu nhập, tầng lớp trung lưu chiếm đến gần một nửa dân số Brazil (tổng cộng gần 200 triệu người).

Từ năm 2002 đến 2008, Brazil tạo thêm 14 triệu chỗ làm. Hàng tháng, chính phủ cấp tới gần 500 triệu EUR cho 12,7 triệu gia đình có thu nhập thấp. 3 trụ cột trong chính sách kinh tế của Tổng thống Lula da Silva là giảm thuế một số mặt hàng, gia tăng tín dụng cho doanh nghiệp để kích thích đầu tư, tăng lương cho công chức nhà nước.

Tổng thống Lula da Silva lấy sức mua nội địa là chủ đạo. Nền kinh tế Brazil hiện nay đôi khi được xem là mang tính chất chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism).

Brazil cũng đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi trên thế giới, có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn thế giới như G-20, nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và đang phấn đấu có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Những thành công nổi bật của nền kinh tế Brazil mang dấu ấn rõ nét của Tổng thống Lula da Silva. Giờ đây, ông đang hy vọng tiếp tục truyền đạt những kinh nghiệm quý cho người có nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 2, bà Dilma Roussef, cựu Bộ trưởng Nội các, người được chính Tổng thống Lula da Silva lựa chọn ra tranh cử.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục