Di sản văn hóa cho muôn đời sau

Đã 45 năm, tôi vẫn còn nhớ như in ngày chúng tôi - những đảng viên lớp Hồ Chí Minh được kết nạp trên đỉnh Trường Sơn.

Đã 45 năm, tôi vẫn còn nhớ như in ngày chúng tôi - những đảng viên lớp Hồ Chí Minh được kết nạp trên đỉnh Trường Sơn.

Ngày ấy, được đứng vào đội ngũ những người cộng sản do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện là một khát vọng cháy bỏng của thế hệ chúng tôi. Vào Đảng để làm gì? Để suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như lời tuyên thệ trước Đảng kỳ. Năm ấy, phần lớn chúng tôi đều là học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông tình nguyện vào bộ đội. Dẫu biết có thể không có dịp trở về quê hương nữa mà lòng chúng tôi vẫn “phơi phới dậy tương lai”. Tuổi mười tám, đôi mươi, chúng tôi có thể làm được những việc vượt lên chính mình ấy là nhờ có niềm tin. Chúng tôi tin ở Bác, từ tấm gương, đạo đức cách mạng của Người. Được làm lính Bộ đội Cụ Hồ, được đi theo con đường mà Bác và Đảng đã vạch ra là niềm vinh hạnh lớn lao. Trên đường hành quân vào Nam và sau này xông pha trong lửa đạn giữa chiến trường miền Đông Nam bộ, lúc nào lời căn dặn của Bác Hồ cũng văng vẳng bên tai chúng tôi: “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”.

Bây giờ đất nước thống nhất đã hơn 40 năm. Bác Hồ đã đi xa gần nửa thế kỷ. Đi theo con đường của Bác, Đảng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, lãnh đạo nhân dân ta xây dựng đất nước ngày càng phát triển theo định hướng: dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đội ngũ những người cộng sản ngày thêm hùng hậu. Các thế hệ đảng viên đã góp sức làm nên bao điều kỳ diệu. Các thế hệ đảng viên sau này có những điểm vượt trội so với thời chúng tôi. Song điều không thể phủ nhận, vẫn còn một bộ phận những người “phấn đấu” vào Đảng với động cơ không trong sáng, nặng tính vụ lợi. Trớ trêu thay, một số khác là những người tử tế, có năng lực lại chần chừ hoặc ngại vào Đảng. Nghịch lý ấy nói lên điều gì? Đó phải chăng là một nguy cơ, thách thức của đảng cầm quyền?!

Ai cũng biết Bác Hồ là nhà yêu nước vĩ đại. Bác cống hiến, hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Dù bận trăm công ngàn việc, trước khi về với tổ tiên, Bác vẫn dành thời gian viết Di chúc. Di chúc của Người là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng, tâm huyết và tình cảm của Người được đúc kết trong bản Di chúc bất hủ đó. Về phần riêng, Bác dặn, khi Bác nằm xuống đừng làm tang lễ linh đình, tốn kém tiền bạc của nhân dân; đừng xây lăng mộ mà nên hỏa thiêu, đựng tro cốt vào ba hũ sành để trên đồi cao ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Bà con khi đến thăm, mỗi người nên trồng một cây xanh quanh đồi... Ước nguyện thanh cao, giản dị của bậc vĩ nhân - danh nhân văn hóa thế giới ấy đến nay đã được thực hiện như thế nào? Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm đền thờ, dựng tượng Bác và sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật về Bác để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và để lại di sản văn hóa cho muôn đời con cháu mai sau. Nhưng chắc chắn chúng ta buồn lòng khi lời Di chúc của Người về việc riêng chưa được cháu con thực hiện một cách trọn vẹn. Ở đâu đó có sự thái quá trong việc xây đền thờ, tượng đài nguy nga về Bác thật phản cảm trong tình hình hiện nay, khi trên đất nước ta, còn có nơi trẻ em chưa đủ trường để học; bữa ăn hàng ngày không có thịt, mùa đông chưa đủ áo ấm. Cách đây gần nửa thế kỷ nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Làm sao hậu thế làm trọn ước nguyện ấy của Người?

Thực hiện Di chúc của Bác, xây dựng và chỉnh đốn đảng, Đảng ta đã mở cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ Chỉ thị 06 đến 03 và nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người (19-5-2016), Đảng ta tiếp tục ra Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ. Đối tượng thực hiện là toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, nhưng theo chúng tôi, trước hết những người đi đầu thực hiện phải là đảng viên đang đảm nhận trọng trách trong bộ máy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp. Việc thực hiện kéo dài nhiều năm nhưng thử hỏi hiệu quả được bao nhiêu? Có chỗ nào đó nặng về hình thức không? Qua thực tế hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận đảng viên chưa thực sự làm theo lời Bác dặn. Tệ nạn tham nhũng, xách nhiễu nhân dân, làm nghèo đất nước vẫn còn xuất hiện đâu đó. Nhiều cán bộ đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao, bị kỷ luật, để tiếng xấu trong xã hội. Chỉ thị 05 với chủ đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ. Theo chúng tôi, lần này nên đi vào thực chất, lấy “làm theo” làm trọng, tránh hình thức rườm rà tốn kém tiền bạc và thời giờ của nhân dân. Trước hết, cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ cấp cao, những đồng chí Trung ương, những người giữ trọng trách trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần gương mẫu đi đầu thực hiện. Không cần đao to, búa lớn. Hãy thiết thực làm tốt lời dặn của Bác Hồ trước lúc Người đi xa.

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục