Dị tật tim bẩm sinh ở trẻ: Cần phát hiện và điều trị kịp thời

Dị tật tim bẩm sinh là bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc phát hiện sớm từ trong bào thai sẽ giúp các bác sĩ chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị cho trẻ ngay sau sinh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Th.S-BS Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, vừa cùng đồng nghiệp thực hiện thành công 3 ca phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh cho trẻ. “Buổi sáng chúng tôi phẫu thuật và sửa chữa toàn bộ tổn thương trong tim cho bé 3 tháng tuổi và bé 6 tuổi, buổi chiều là bệnh nhi 16 tuổi. Trong đó, bệnh nhi 16 tuổi mắc tim một thất - đây là một trong những khuyết tật về tim hiếm gặp, trung bình cứ 100.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị khuyết tật này. Cả 3 ca phẫu thuật đều thành công, không có biến chứng sau mổ”, Th.S-BS Cao Đằng Khang kể lại. 

Do hoàn cảnh khó khăn, cả 10 năm nay, chị H.T.T (ngụ Bình Sơn, Quảng Ngãi) không thể đưa con đi tái khám và theo dõi tình trạng bệnh tim của con. Mới đây, khi được các BS Khoa Phẫu thuật tim trẻ em, BV Đại học Y Dược TPHCM, ra thăm khám theo chương trình “Trái tim cho em”, con chị - cháu H. được chẩn đoán bị bệnh tim một thất, teo van động mạch phổi. Mặc dù đã 16 tuổi nhưng H. chỉ nặng 29kg, đi lại rất yếu và không đủ sức khỏe để theo học như các bạn cùng trang lứa. Được bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật, chị T. mới cho con vào TPHCM chữa trị. 

Còn cháu L.T.T (ngụ quận 8, TPHCM) đã 6 tuổi nhưng bé chỉ nặng gần 10kg, thân hình gầy gò. Người nhà cho biết, gia đình phát hiện bé T. bị tim bẩm sinh từ khi còn mang thai, do thiếu kiến thức, nhà nghèo nên ba mẹ bé không có điều kiện để chữa trị cho con. Căn bệnh tim liên tục hành hạ khiến bé T. nay ốm mai đau, không thể đi học được. 

Theo Th.S-BS Cao Đằng Khang, dị tật tim bẩm sinh là các dị tật của cơ tim, buồng tim, van tim, các mạch máu lớn và hệ thần kinh tim… xảy ra ngay từ lúc còn ở thời kỳ bào thai và vẫn còn tồn tại sau sinh. Trung bình mỗi tuần, khoa có 80-120 lượt bệnh nhi tim bẩm sinh đến thăm khám. Lũy tính từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phẫu thuật thành công cho trên 600 trẻ, nhỏ nhất 1 tuần tuổi, trong đó có 15-20% trường hợp bệnh nhi đã được chẩn đoán mắc dị tật tim bẩm sinh trước sinh.

BS Cao Đằng Khang: "Trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị viêm phổi, gia đình cần phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ bằng cách giữ ấm khi trời lạnh, không để trẻ tiếp xúc ở những nơi có nhiều khói bụi, khói thuốc lá. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh ho, cảm cúm thì nên tránh xa trẻ, không tiếp xúc với trẻ. Đồng thời, phụ huynh cần chú ý chăm sóc răng miệng cho trẻ để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, trẻ phải được tái khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho trẻ"
Có thể chữa khỏi hoàn toàn


Theo TS-BS Lê Thành Khánh Vân, Trưởng khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim trẻ em, BV Chợ Rẫy, qua thống kê, cứ 100 bé chào đời, có 1 bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tim bẩm sinh, có thể do nhiều nguyên nhân như bất thường của các nhiễm sắc thể, di truyền trong gia đình. Các yếu tố môi trường: người mẹ khi mang thai nhiễm virus cúm, Rubella (là một bệnh truyền nhiễm), Herpes (bệnh lây truyền qua đường tình dục), Cytomegalo (một dạng bệnh nhiễm trùng)… Hoặc người mẹ khi mang thai uống thuốc kháng viêm, sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá hay tiếp xúc nhiều với hóa chất. Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hay khám vì một lý do khác. Một số dị tật cũng hay đi kèm với bệnh tim bẩm sinh như hội chứng down, sứt môi - chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay, chân, tật đầu to, đầu nhỏ. 

Th.S-BS Cao Đằng Khang lưu ý thêm, dị tật tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu trẻ được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội được sống khỏe mạnh và phát triển bình thường như trẻ khác. Thai phụ cần được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm tim nhằm phát hiện các bệnh lý về tim mạch cho trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh tim bẩm sinh đều có thể được phát hiện trước sinh. Do đó, trẻ sơ sinh cần được khám sàng lọc kỹ sau sinh, nếu không rất dễ xảy ra trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh bị bỏ sót khi xuất viện do sau sinh trẻ vẫn tồn tại ống động mạch hoặc lỗ bầu dục, nên chưa xuất hiện các triệu chứng ngay sau sinh vài ngày. 

Khi trẻ xuất viện về nhà, nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ như trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi; trẻ bị tím môi, tím đầu ngón tay - chân khi khóc, khi rặn… cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay tức thì. Trẻ sẽ được khám lâm sàng và làm một số thăm dò không xâm lấm để chẩn đoán bệnh, chụp X-quang phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim. Trong đa số các trường hợp, với các thăm dò trên trẻ đã được chẩn đoán bệnh một cách rõ ràng. Một số trường hợp tim bẩm sinh phức tạp, sau khi có các xét nghiệm, trẻ có thể được nhập viện để thông tim thăm dò nhằm đánh giá một cách chính xác các tổn thương tim bẩm sinh.

Tin cùng chuyên mục