Chủ nhật ngày 23-12, tôi được đọc trên báo SGGP bài viết có nhan đề “TPHCM - Nhiều di tích - Ít phát huy!” của phóng viên Vân An. Quả thực, tôi rất tâm đắc với những thông tin tác giả nêu ra. Đặc biệt, là một người làm trong ngành du lịch, rất nhiều lần tôi đã gặp phải những vấn đề liên quan đến di tích lịch sử trong lúc dẫn du khách đi tham quan TPHCM.
Còn nhớ, khoảng năm 2003, khi dẫn khách tới khu Nhà hát TPHCM, khi vòng ra khu vực phía sau nhà hát, một du khách đã bất ngờ hỏi tôi “Tấm bia đằng kia tưởng niệm cái gì vậy?”. Ý của người khách là hỏi về tấm bia nằm ở góc đường Hai Bà Trưng (trước cửa khách sạn Park Hyatt Saigon hiện nay). Tôi quả thực vô cùng bối rối, bia chỉ đề vắn tắt kỷ niệm trận đánh lớn của các chiến sĩ biệt động thành nhưng “lớn” là như thế nào thì không thấy viết.
Đã vậy, bia còn gần như bị bỏ hoang và người dân dùng làm nơi để hàng hóa, gạch đá. Sau này, khi xây lại khách sạn Park Hyatt Saigon tấm bia này mới được sửa sang lại đẹp và nổi bật hơn nhưng chú thích vẫn đơn giản bằng tiếng Việt là kỷ niệm trận đánh cư xá Brink. Chỉ tới một lần đi nhà sách, tôi vô tình tìm thấy cuốn sách nói về biệt động thành mới biết trận đánh cư xá Brink là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của lực lượng biệt động thành những năm chiến tranh với nhiều tình tiết rất ly kỳ. Đây là những thông tin rất bổ ích cho tôi khi dẫn khách đến đây nhưng không phải hướng dẫn viên nào cũng biết được điều đó và rất nhiều đoàn khách chỉ biết được địa danh này một cách vắn tắt “một trận đánh của biệt động thành Việt Nam”.
Trên đây là một ví dụ cụ thể của tôi về việc sử dụng những di tích lịch sử tại thành phố của chúng ta. Thực tế, một trong những vấn đề lịch sử mà du khách hay quan tâm nhất khi tham quan thành phố là làm cách nào người Việt Nam duy trì được một lực lượng chiến đấu ngay trong nội đô nơi mà chính quyền đối phương có một hệ thống từ cảnh sát, mật thám, an ninh đến quân đội trong và ngoài nước dày đặc như vậy. Một du khách là cựu binh Mỹ tại Việt Nam từng hỏi tôi: “Củ Chi là tượng đài sức chịu đựng và khôn khéo của người Việt Nam trong chiến tranh nhưng ở đó vẫn là chiến tuyến với hai phe rõ rệt.
Còn minh chứng cho chiến tranh nhân dân mà các bạn hay nhắc là cuộc chiến ngay giữa thành phố trong đó có cả Sài Gòn thì sao không thấy các anh dẫn chúng tôi tới”. Quả thật, lúc đó tôi cũng không biết phải dẫn khách đi đâu… Phở Bình nơi từng nuôi giấu cán bộ cao cấp dù sao cũng chỉ là một địa danh mang tính hình tượng chứ khó lòng đưa khách vào tham quan. Sở chỉ huy chiến dịch Mậu Thân chỉ có tấm bia, căn nhà đã được dùng làm quán karaoke, cũng không còn gì để tham quan. Nhờ một số người quen, tôi tìm được một di tích là nơi cất giấu vũ khí hồi 1968 của quân cách mạng nhưng qua thời gian, căn hầm đã được dùng làm kho đồ cũ của gia đình, ẩm thấp và không vệ sinh. Thực sự lúc đó chúng tôi, những người hướng dẫn rất xấu hổ.
Tuy nhiên, nói vậy nhưng không phải cứ sửa lại là giới thiệu với du khách được. Sau này, tôi có nghe nói nhiều di tích như hầm bí mật, cơ sở in ấn truyền đơn… đã được phục chế. Tuy nhiên, đến khi tìm cách xây dựng tour tham quan mới thấy thật khó lòng đưa các di tích đó vào hoạt động du lịch. Một tour du lịch không thể dừng đây xem một căn hầm nhỏ rồi chạy nửa thành phố xem một sở chỉ huy… Theo tôi, nên tìm một cơ sở tiêu biểu cho một hoạt động như sở chỉ huy Mậu Thân (sự kiện rất ấn tượng với du khách), hệ thống kho tiêu biểu nhất, rồi địa đạo Phú Thọ Hòa như bài viết trên SGGP.
Một điều không thể không quan tâm là ngoài việc sửa chữa còn cần chú ý đến những vấn đề đáp ứng cho du lịch như hướng dẫn, hàng hóa lưu niệm gắn với địa danh, công trình phụ… Làm được như thế vừa có thể đem lại hiệu quả kinh tế vừa phát huy được giá trị của di tích và quan trọng nhất là giúp du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về một chương lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Như hiện nay, một kho tàng văn hóa, kinh tế đầy tiềm năng như các di tích lịch sử lại đang bị bỏ quên ngay giữa thành phố.
XUÂN THÂN