TP Hồ Chí Minh: Nhiều di tích, ít phát huy!

TP Hồ Chí Minh: Nhiều di tích, ít phát huy!

TPHCM đang ngày càng thu hút đông du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2007 đến nay đã có hơn 4 triệu du khách đến với TPHCM. Chính vì thế, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố đang có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Thế nhưng, trong số trên 100 di tích lịch sử – văn hóa được công nhận di tích cấp quốc gia và cấp thành phố thì những di tích phát huy được tác dụng, thu hút khách tham quan lại chưa nhiều. Tại sao?

Nhiều di tích... lạ (?)

TP Hồ Chí Minh: Nhiều di tích, ít phát huy! ảnh 1

Di tích “Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ vệ quốc đoàn năm 1954” ở số 122/351 Ngô Gia Tự, phường 9, quận 10 thường xuyên đóng cửa.

Với những người quản lý văn hóa ở TPHCM, ai cũng đều rõ con số di tích lịch sử, văn hóa và di tích nào nằm ở đâu. Thế nhưng, với khách tham quan trong và ngoài nước thì số lượng di tích được biết đến lại rất hiếm hoi, quanh đi quẩn lại chỉ mấy di tích: Dinh Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Lăng Lê Văn Duyệt…

Thậm chí có những di tích, nếu kể tên ra, chắc chắn có người sẽ thốt lên: “Sao lạ hoắc vậy?”, như “Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ”, “Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968”, “Khu dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968”, “Hầm bí mật in ấn tài liệu của Ban Tuyên huấn Hoa vận trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước”…

Trong khi đó, hầu hết các di tích được công nhận là những di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và thành phố đều gắn liền với những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử của dân tộc. Chẳng hạn như “Khu dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968” thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, chính là nơi có 32 dân công tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi đã anh dũng hy sinh trong một trận không kích ác liệt của đế quốc Mỹ...

Hay một “Địa đạo Phú Thọ Hòa” ở quận Bình Tân được đào vào năm 1947 với những đường ngầm lúc ẩn lúc hiện để đánh địch. Chính địa đạo Phú Thọ Hòa là nơi tạo nên nhiều chiến công cho quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Trong thời kỳ chống Pháp, địa đạo Phú Thọ Hòa là nơi bộ đội đặc công ém quân và tập kích sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 1950. Chưa hết, trong hai lần đánh vào kho bom Phú Thọ Hòa, gây kinh hoàng cho địch vào năm 1952, 1954 cũng đều xuất phát từ địa đạo Phú Thọ Hòa... Ấy vậy mà!!!

Ít phát huy!

TP Hồ Chí Minh: Nhiều di tích, ít phát huy! ảnh 2

Du khách tham quan, tìm hiểu di tích Địa đạo Củ Chi.

Khi đến TPHCM, nhiều khách du lịch tham quan Địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, Khu căn cứ Rừng Sác…, còn lại hàng chục địa điểm khác chỉ có người dân địa phương… biết đến. Hiện nay, có những di tích chỉ dừng lại ở việc xây dựng mới, chứ chưa hề chú trọng đến việc phát huy tác dụng của nó.

Chẳng hạn như “Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968” tại xã Vĩnh Lộc A – Bình Chánh, được xây dựng cả chục tỷ đồng, nằm sâu trong khu bưng biền, nhưng từ ngoài đường lớn vào di tích, không hề có những tấm bảng chỉ đường cho khách tham quan.

Trong khu di tích này, ngoài tượng đài, bia vinh danh các dân công đã anh dũng hy sinh, chưa hề có được tài liệu nào về những liệt sĩ đã hy sinh. Chưa kể, tượng đài của các dân công sau một năm khánh thành rồi mà vẫn chỉ là mô hình, còn tượng đài thật đang nằm ở đâu và khi nào được dựng lên, lại là một ẩn số (?!). Tiền bỏ ra đầu tư nhiều, nhưng tác động xã hội chẳng bao nhiêu.

Ở một số di tích khác cũng rơi vào tình cảnh “đánh đố” khách tham quan. Có những di tích nằm trong nhiều con hẻm nhỏ, vậy mà phía trước cổng vào cũng chẳng hề treo một tấm bảng hiệu. Nào là di tích “Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ” (1965 – 1967) ở số 183/4 đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10; rồi di tích “Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ” ở số 51/10/14 đường Cao Thắng, quận 3…

Cần một tầm nhìn...

TP Hồ Chí Minh: Nhiều di tích, ít phát huy! ảnh 3

Bà Đỗ Thị Kim Liên đang giới thiệu về di tích “Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ” (1965-1967) ở số 183/4 đường 3 Tháng 2, phường 11 quận 10.

Trước thực trạng của các di tích lịch sử, văn hóa ở TPHCM hiện nay, rõ ràng chúng ta đang lãng phí, chưa có sự đầu tư đúng mức để thu hút du khách. Dẫu biết rằng các di tích này luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử, nhưng để kể lại được những câu chuyện lịch sử này một cách sống động, dễ nhớ, không phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi phải có sự chăm chút, phải có một tầm nhìn về lâu dài.

Chẳng nói đâu xa, tại sao khi nhắc đến 10 cô gái Đồng Lộc đã hy sinh do bom đạn của không quân Mỹ, ai cũng phải bùi ngùi xúc động, bởi hình ảnh của các cô gái ấy đã đi vào trong lòng người dân, du khách thông qua các phim ảnh, văn thơ, nhạc họa...

Còn khi nói đến 32 dân công ở Vĩnh Lộc, Bình Chánh, lại không nhiều người biết?! Dù câu chuyện về 32 dân công đã hy sinh và nhiều dân công còn sống sót ở Vĩnh Lộc cũng đong đầy máu và nước mắt.

Ông Mai Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, cho biết: “Hiện giờ, Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 còn rất đơn sơ, tôi nghĩ muốn thu hút được du khách cần phải có sự quan tâm đầu tư hơn nữa từ hình thức cho đến nội dung”.

Khi nói về các di tích lịch sử, văn hóa ở TPHCM, ông T.A. - tổng giám đốc một công ty du lịch ở TPHCM cho biết: “Chúng ta có nhiều di tích, nhưng hiện nay, thì liệu có được mấy di tích có thể thu hút du khách? Quá ít! Tôi nghĩ, để các di tích thật sự thu hút du khách trong và ngoài nước, chúng ta nhất thiết phải đầu tư, tôn tạo các địa điểm này một cách bài bản. Chúng ta không chỉ đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất mà còn chú trọng đến khía cạnh, góc nhìn văn hóa, với những câu chuyện kể, những hình thức sân khấu sống động, tái hiện lại lịch sử... Từ đó, các hướng dẫn viên du lịch sẽ xây dựng những kịch bản hoàn chỉnh, mới có thể giới thiệu đến du khách…”. 

VÂN AN 

Rõ ràng, từ con số trên 100 di tích ở TPHCM, nhưng sự quan tâm chưa đúng mức, đầu tư chưa đúng tầm như hiện nay thì di tích hoàn toàn chỉ có mặt trên các bản báo cáo một cách hình thức.

Thiết nghĩ, trước những thực tế như đã nêu trên, đã đến lúc, các ngành, các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy tác dụng các di tích lịch sử, văn hóa. Nếu không, việc tiến hành công nhận thêm nhiều di tích lịch sử, văn hóa như hiện nay phải chăng là điều vô nghĩa?

Tin cùng chuyên mục