Sau khi biểu diễn thành công ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vừa qua nhóm nghệ sĩ trẻ sang Pháp và Đức lưu diễn vở kịch hiphop Nhiều mặt, đã tiếp tục gặt hái thành công. Đặc biệt, nghệ sĩ biểu diễn hiphop Vũ Tùng Phương (T.F. Star) tham gia thi đấu với các dancer quốc tế đã đoạt “cú đúp” hai giải vô địch Who Is Who (ở Paris, Pháp) và Jam Session 2011 (Berlin, Đức).
Qua vở kịch Nhiều mặt, Vũ Tùng Phương cho rằng sự giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm của hai nhà biên đạo Raphael Hillebrand (Đức) và Sébastien Ramirez (Pháp) đã hướng dẫn, dàn dựng vở kịch về kỹ thuật, nghệ thuật hiphop là nét giao thoa giữa nghệ thuật múa hiphop và sân khấu. Sự kết hợp này được thể hiện trên nhạc nền đầy âm sắc Việt đã tạo được sức thu hút và hâm mộ của khán giả thưởng thức.
Nhạc sĩ Trần Quang Hải ở Paris đã bày tỏ cảm xúc về thành công của vở kịch Nhiều mặt. Trước sự thưởng thức nồng nhiệt và đầy tình cảm của công chúng Pháp dành cho nhóm kịch, ông nhận xét các nghệ sĩ trẻ hiphop Việt Nam “đã làm nên chuyện thật xúc động từ nghệ thuật múa đương đại trên nền nhạc dân tộc truyền thống”.
Vũ Tùng Phương (trong giới biểu diễn hiphop vẫn quen gọi là T.F. Star) bước vào làng hiphop từ năm 2004 và nhanh chóng trở thành một gương mặt khá ấn tượng. Đam mê bộ môn nghệ thuật trẻ trung này, Vũ Tùng Phương thành lập nhóm múa Milky Way (Con đường sữa) ở Hà Nội.
Anh cũng đã từng đạt nhiều thành tích trong thời gian dài, với nghệ thuật popping, bộ môn nghệ thuật múa đương đại vừa mang tính chất nhịp nhàng, mạnh mẽ, dẻo dai với nhiều động tác tập luyện điêu luyện của bộ môn thể thao vừa kết hợp tính chất nghệ thuật kịch câm đương đại, qua những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển.
Sau đó, Vũ Tùng Phương tiếp tục cộng tác cùng Big Toe (Ngón chân cái), một nhóm hiphop mạnh, hoạt động khá sôi nổi trong phong trào múa đương đại với các gương mặt trẻ: Hoàng Kỳ Anh, Bùi Minh Trí, Lại Thị Sao Mai…
Lần tham dự thi đấu các giải ở châu Âu vừa qua, anh cho rằng đây là cơ hội học hỏi với những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm trong làng nghệ thuật hiphop Âu châu, như Blondy, Fox (Pháp) và Storm Master với Prince Mio (Đức)… Ngược lại, đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ giới thiệu nghệ thuật hiphop Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cần phải tạo được bản sắc Việt trong “đấu trường” của bộ môn nghệ thuật đương đại này. Đó là cả một quá trình tự mày mò, luyện tập của nhóm.
Từ giai đoạn ban đầu luyện tập múa khá sôi động, trẻ trung trên nền nhạc trẻ thế giới, nhạc trẻ Việt Nam, các nghệ sĩ trẻ thật bất ngờ khi tìm thấy những giai điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam khá thích ứng khi vận dụng vào nghệ thuật hiphop. Các giai điệu xòe Thái ở vùng Tây Bắc, hát xẩm ở Hà Nội, hát chầu văn ở Huế hoặc hy vọng sắp tới là những giai điệu cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam bộ… có thể góp phần tạo nên một âm sắc Việt khá phong phú và hấp dẫn cho nghệ thuật hiphop Việt.
Tuy nhiên, khách quan cho thấy bộ môn nghệ thuật khá trẻ và mới mẻ này rất cần sự quan tâm, đầu tư chăm chút của giới chuyên môn đối với các nghệ sĩ trẻ. Bởi chính đây là một nhịp cầu khá hữu hiệu để nghệ thuật âm nhạc truyền thống đi sâu vào đời sống, tâm khảm lớp trẻ một cách phong phú và tiếp tục được vận dụng, phát triển, quảng bá rộng rãi trên sân khấu nghệ thuật giải trí, thể thao đương đại trong, ngoài nước.
YÊN NGỌC